Sau 10 năm triển khai thực hiện, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trong toàn tỉnh, được cả hệ thống chính trị và đông đảo Nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng, tích cực tham gia. Thông qua Chương trình, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh giữ mức ổn định trên 7,3%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng định hướng. Số hộ nghèo giảm mạnh, đời sống tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 91/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thị xã Ayun Pa, An Khê và TP. Pleiku đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2021, toàn tỉnh có 118 thôn, làng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí, không xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Số tiêu chí đạt bình quân của các xã trên địa bàn tỉnh đạt 16,6% và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí, không xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, quá trình thực hiện luôn tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu Hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long cho biết: Xây dựng nông thôn mới được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Sau 10 năm triển khai, phong trào xây dựng nông thôn mới lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp trong toàn tỉnh, được cả hệ thống chính trị và đông đảo người dân nhiệt liệt hưởng ứng, tích cực tham gia
Thông qua chương trình, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Các chương trình, đề án, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp được triển khai mạnh mẽ, mang lại hiệu quả. Kết quả đạt được nói trên có vai trò quan trọng của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và sự nỗ lực các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là việc nghiên cứu các văn bản của Trung ương để vận dụng cụ thể, sáng tạo, phù hợp với đặc thù về xây dựng NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững, nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, ngoài nhiệm vụ đánh giá đúng thực trạng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh sau 10 năm triển khai, hội thảo còn nhằm rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp tốt nhất để nhanh chóng khắc phục khó khăn, vướng mắc, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững trong thời gian tiếp theo, hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trên cơ sở nhận diện khó khăn, thách thức, các đại biểu đã kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng NTM trong thời gian tới: Muốn xây dựng NTM bền vững cần 4 yếu tố: nhận thức đúng và đầy đủ, nguồn lực, hành động quyết liệt, phương thức, cách làm phù hợp với từng địa phương; Nâng cao nhận thức cộng đồng; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; phải xây dựng, ban hành nghị quyết, chuyên đề riêng, không chỉ đạo chung chung.....
Yến Hưng