“Hiện trạng phát sinh chất thải nhựa trong nông nghiệp” là một nghiên cứu được PGS. TS. Mai Văn Trịnh, Viện Môi trường Nông nghiệp báo cáo tại hội thảo “Quản lý chất thải nhựa ngành nông nghiệp: Thực trạng và giải pháp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc, Chương trình đối tác hành động quốc gia về Nhựa và Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam tổ chức mới đây.
Nội dung hướng đến mục tiêu xác định được nguồn phát sinh chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp; Xác định được loại chất thải nhựa phát sinh trong sản xuất nông nghiệp; Ước tính được khối lượng phát sinh chất thải nhựa trong một số đối tượng sản xuất chính của ngành nông nghiệp và đề xuất một số giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp.
Theo PGS. TS. Mai Văn Trịnh, nội dung nghiên cứu bao gồm: Điều tra đánh giá hiện trạng phát sinh, tình hình quản lý chất thải nhựa tại 16 tỉnh đại diện cho 8 vùng sinh thái nông nghiệp. Đo đạc 27 đối tượng gồm 22 cây trồng, 6 vật nuôi, thực hiện tại 6 tỉnh: Hòa Bình, Hà Nội, Bắc Giang, Nghệ An, Lâm Đồng, Tiền Giang…
Theo PGS. TS. Mai Văn Trịnh cũng cho biết, phương pháp thực hiện bằng: Sử dụng bộ câu hỏi điều tra nông dân; Đối tượng điều tra gồm: lúa, ngô, khoai, ôi, bưởi, cà phê, hồ tiêu, hoa ly, hoa đồng tiền, rau cải xanh, dưa chuột; Đo lượng nhựa phát sinh theo các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây, con. Đối tượng quan trắc gồm cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, cây màu, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, gia súc, gia cầm…
Kết quả thực hiện cho thấy, nguồn phát sinh chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp có thể kể đến màng bảo vệ như nhà màng, nhà lưới, màng chống rét, màng giữ ẩm; Bao bì như bao bì hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đựng sản phẩm; Khay mạ, máng ăn uống; Túi ươm cây con, bao trái, bao hoa; Hệ thống tưới, xử lý chất thải…
Hiện trạng thu gom cho thấy bao bì phân bón được thu gom và sử dụng lại; Bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa thu gom hết, hệ thống thu gom chưa đầy đủ; Cây hoa màu phát thải rất lớn, đặt biệt vùng sản xuất công nghệ cao; Màng phủ hầu như không được thu gom, cuộn lại, cày vùi, đốt; Cây ăn quả sử dụng ngày càng nhiều nhựa, chủ yếu bọc quả.
Hiện trạng tái sử dụng, xử lý, thay thế: Sử dụng lại bao bì phân bón, khay mạ, màng chống chuột; Gần như không có xử lý chất thải nhựa; Thay che phủ đất bằng rơm rạ, thảm thực vật…
Từ hiện trang nghiên cứu, PGS. TS. Mai Văn Trịnh đã dẫn ra một số khó khăn, hạn chế như nhiều địa phương đã không bố trí hoặc bố trí quá ít nguồn lực cho hoạt động quản lý chất thải nhựa; Không gắn trách nhiệm của doanh nghiệp cung ứng thuốc bảo vệ thực vật; Chưa có quy định về quy hoạch và mật độ xây dựng nhà màng tại các khu đô thị; Các quy định thiếu cơ chế kinh tế khuyến khích người sử dụng thuốc chủ động thu gom. Bên cạnh đó, tính pháp lý Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT chưa cao, công tác kiểm tra, giám sát còn yếu, chế tài xử phạt các vi phạm chưa đủ sức răn đe.
Giải pháp được đề ra là điều chỉnh quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT; Tăng thuế nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật có tính đến phí xử lý vỏ/vật liệu đựng thuốc… Có chính sách hạn chế sử dụng bao bì nhựa và đặc biệt là bao bì dùng một lần. Các biện pháp chủ yếu là kinh tế liên quan đến thuế hoặc phí phạt.
Giải pháp về kỹ thuật là giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; Áp dụng công nghệ sản xuất sinh thái để giảm sâu bệnh; Sử dụng bao bì lớn, silo chứa và vận chuyển; Sử dụng vật liệu tự hủy để sản xuất bao bì hoặc bao bì có thể tái sử dụng nhiều lần. Ngoài ra cần kiểm tra, giám sát, tăng cường tuyên truyền, tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức trong hạn chế sử dụng nhựa trong sản xuất nông nghiệp.