Ô nhiễm không khí đang là vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng ở Việt Nam, đặc biệt là ở những thành phố lớn. Một trong những nguyên nhân đó là việc đốt rơm rạ khiến nồng độ bụi mịn gia tăng.
Với vai trò là nước cường quốc nông nghiệp, Việt Nam sản xuất hàng năm khoảng 43 - 54 triệu tấn lúa và tạo ra khoảng 47 triệu tấn rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch. Khoảng 90% số lượng rơm rạ này được xử lý bằng cách đốt cháy ngoài trời, không chỉ làm ô nhiễm môi trường mà còn lãng phí nguồn tài nguyên quý giá. Để giải quyết vấn nạn này, nhiều mô hình thay thế việc đốt rơm ngoài trời đã được nghiên cứu ứng dụng, tuy nhiên phần lớn chỉ triển khai ở quy mô nhỏ, địa phương.
Trước thực trạng này, Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm đã phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam triển khai Dự án đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của đốt ngoài trời và sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp đến biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và đa dạng sinh học tại Việt Nam. Năm 2022, lần đầu tiên dự án giảm thiểu tác động của việc đốt ngoài trời được triển khai trên toàn quốc.
Dự án hướng đến các mục tiêu: Phát triển cơ sở kiến thức về đốt ngoài trời trong nông nghiệp và sử dụng thuốc trừ sâu hiện nay cũng như những tác động liên quan đến sức khỏe và môi trường ở Việt Nam; nghiên cứu các giải pháp thay thế cho các biện pháp đốt ngoài trời và sử dụng thuốc trừ sâu hiện nay; giáo dục các nhóm mục tiêu chọn lọc về tác động đến sức khỏe và môi trường của việc đốt ngoài trời và thuốc trừ sâu; xây dựng và thúc đẩy các chính sách để giảm tác động của việc đốt ngoài trời và thuốc trừ sâu…
Dự án đã xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng đốt ngoài trời, đề xuất mô hình thay thế nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân cũng như tư vấn cho các cơ quan chức năng. Qua đó mở rộng đối tượng thụ hưởng, bao gồm cả các cơ quan quản lý, tổ chức tư vấn và hàng triệu nông dân trên cả nước.
Dự án đã triển khai các khoá tập huấn, nâng cao nhận thức, xây dựng các thí điểm để tái chế rơm rạ có hiệu quả thay thế hoạt động đốt rơm rạ. Chương trình đã đem lại hiệu quả thiết thực đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng được nhiều chuyên gia đánh giá cao, đã góp phần tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về việc đốt ngoài trời và sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp tại Việt Nam.
Một số mô hình thay thế hiệu quả như sử dụng chế phẩm vi sinh để phân hủy rơm, ủ rơm cho gia súc, sản xuất than sinh học từ vỏ trấu...
Thực tế hiện nay, sản xuất nông nghiệp hiện chiếm 30% tổng phát thải khí nhà kính toàn quốc, nếu không có biện pháp can thiệp, tổng lượng phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp ở nước ta sẽ tăng lên đến 120 triệu tấn CO2 vào năm 2030.
Theo quy định, hành vi đốt rơm rạ có thể bị phạt đến 3 triệu đồng. Để giúp nông dân thay đổi hành vi, các nhà khoa học đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn, cấp phát miễn phí chế phẩm giúp nông dân xử lí rơm rạ tại chỗ, hiệu quả tiết kiệm. Cánh đồng không khói mang lại lợi ích kép đó là cải tạo đất, bảo vệ môi trường đồng thời nâng cao năng suất và giá trị của lúa gạo theo hướng bền vững. Việc tận dụng rơm rạ để phát triển các mô hình kinh tế thay vì đốt bỏ như trước, nhằm góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho bà con. Đồng thời, giảm bớt ô nhiễm môi trường, do đốt rơm, cũng như ngăn chặn được hiện tượng ngộ độc hữu cơ do rơm rạ gây ra, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa…