Thách thức và những điểm nghẽn
Đó là vấn đề được các chuyên gia thảo luận khi bàn về việc ban hành các quy hoạch về năng lượng và khoáng sản nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Chia sẻ tại tọa đàm “Tìm giải pháp thực hiện quy hoạch ngành năng lượng, đáp ứng cam kết Net zero" vào ngày 20/9 của Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành cho biết, năng lượng đang đối mặt với một số bất định như công nghệ, biến đổi khí hậu, nguồn vốn… Những đòi hỏi này cần có sự thay đổi rất nhiều về thể chế và nhưng đủ linh hoạt để thích ứng với các biến động khó lường.
Đại diện Vụ Dầu khí và than (Bộ Công Thương) cho biết, quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia chủ yếu mang tính định hướng về vị trí, quy mô hệ thống kho dự trữ, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu, khí đốt trên phạm vi cả nước để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hiệu quả, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần đảm bảo hạ tầng dự trữ, đảm bảo an ninh năng lượng.
Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn than cho sản xuất điện thời gian tới. Đáng chú ý, việc gia tăng khối lượng lớn than sản xuất trong nước bị hạn chế do điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn.
Nhu cầu sử dụng than trong nước hiện đã vượt khả năng sản xuất trong nước. Trong tương lai, Việt Nam sẽ phải tiếp tục nhập khẩu than với khối lượng lớn đến vài chục triệu tấn để cung ứng cho thị trường trong nước. Điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều của nền kinh tế vào than nhập khẩu.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong Quy hoạch điện VIII, EVN tiếp tục được giao giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải theo nhiệm vụ được giao.
Song tỷ lệ các nguồn điện thuộc sở hữu của EVN và các đơn vị thuộc EVN (bao gồm các CTCP GENCO 2, 3) chỉ chiếm khoảng 38% trong đó EVN quản lý trực tiếp chỉ khoảng 15% nguồn điện và tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm nhanh khi tỷ trong năng lượng tái tạo tăng cao trong thời gian tới.
“Do đó, thách thức lớn nhất là đảm bảo cân đối cung - cầu điện, việc này không chỉ trách nhiệm của EVN mà còn phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân bên ngoài EVN khác”, đại diện EVN bày tỏ.
Nêu rõ hơn về thách thức, chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành cho rằng: “Chính vì vậy, ngành năng lượng có vai trò quyết định trong thực hiện sứ mệnh xanh, khát vọng xanh. Tuy nhiên, với một đất nước còn hạn chế nhiều về nguồn lực, về vốn như chúng ta, thực hiện “xanh hóa” ngành năng lượng vẫn còn nhiều thách thức.
Cái khó ở đây là, trong quá trình “thoát cũ, xây mới” thì làm thế nào để vẫn đảm bảo được an ninh năng lượng, đảm bảo phát triển kinh tế và chữ “xanh” vẫn phủ nhiều hơn.
TS. Võ Trí Thành nêu, thứ nhất là liệu môi trường kinh doanh có đủ hấp dẫn các nhà đầu tư hay không? Theo tính toán từ WB, để xanh hóa thì lộ trình đến 2040 Việt Nam cần 368 tỷ USD. Thứ hai là thể chế thực thi. Thứ ba là vấn đề lựa chọn công nghệ. Đây là vấn đề vẫn còn rất nhiều tranh cãi.
Hướng tới đáp ứng cam kết Net zero
Tại tọa đàm, các chuyên gia và nhà quản lý cũng như doanh nghiệp đều chung quan điểm, để triển khai có hiệu quả các quy hoạch, trước hết, với quy hoạch phát triển năng lượng, về lâu dài phải làm sao cho việc phát triển năng lượng xanh hơn, sạch hơn và đáp ứng được các yêu cầu cung ứng nguồn nguyên liệu sạch cho phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cần phải tính toán đến quá trình xử lý liên quan đến việc bảo vệ môi trường cũng như phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của trình độ phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam, các điều kiện tự nhiên mà chúng ta đang có thì lúc đó quy hoạch năng lượng sẽ có hiệu quả vừa mang tính thực tiễn nhưng vừa có tính phát triển bền vững, lâu dài. Nếu chúng ta không cố hết sức thì những ngành khác cũng chịu rất nhiều ảnh hưởng ngành điện.
Để Việt Nam thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững thì ngành năng lượng là một trong những ngành quyết định. Thực tế, chiến lược tăng trưởng xanh đòi hỏi rất nhiều lĩnh vực như tiêu dùng xanh, sản xuất xanh… và đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, đầu tư vào năng lượng, gắn với chữ “xanh”. Nội dung này rất quan trọng theo hướng thị trường hơn, cạnh tranh hơn.
Về việc đảm bảo tính đồng bộ, liên thông giữa các quy hoạch là một trong những vấn đề rất quan trọng. Hiện chúng ta đang thực hiện quy hoạch với mục tiêu rộng, không chỉ bó hẹp của từng địa phương, từng ngành, nếu không đảm bảo tính đồng bộ liên thông giữa các quy hoạch với nhau thì lúc đó quy hoạch chỉ là “quy hoạch chết”.
Theo đó, quy hoạch phải phù hợp với quy hoạch chung của đất nước theo cùng một định hướng và như vậy có thể có những ngành việc phát triển chậm hơn một chút nhưng nó lại có hiệu quả cao hơn. Nhưng cũng có những ngành phải phát triển nhanh hơn để từ đó tạo ra bước đột phá, giúp cho sự phát triển của một số ngành khác cũng như của một số địa phương.
Vụ Dầu khí và than nêu giải pháp, cần tổ chức thực hiện việc lựa chọn chủ đầu tư các dự án năng lượng, bố trí quỹ đất cho phát triển các công trình năng lượng theo quy định của pháp luật, trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất để thực hiện các dự án năng lượng theo quy hoạch; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư cho các dự án năng lượng theo quy định.