Phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế ngành dệt may - da giày Việt Nam tổng kết 1 năm sau Covid-19 và phát triển bền vững, ông Vũ Đức Giang cho hay, trong bối cảnh khó khăn chung do dịch Covid-19, ngành dệt may Việt Nam vẫn đạt được sản lượng xuất khẩu cao, kim ngạch xuất khẩu của ngành ước đạt 35,27 tỷ USD, khả năng liên kết đã tốt hơn.

Điều này sẽ tạo cơ hội cho ngành dệt may, da giày có bước "nhảy vọt" trong những năm tới.

{keywords}
Hội thảo quốc tế ngành dệt may - da giày Việt Nam tổng kết 1 năm sau Covid-19 và phát triển bền vững

"Năm 2020, mặc dù không đạt được mục tiêu đề ra đầu năm là xuất khẩu đạt 42 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đều giảm, tuy nhiên, thị phần dệt may của Việt Nam trong năm qua cũng có những thay đổi. Việt Nam là nước xuất khẩu dệt may đứng thứ 2 sang Hoa Kỳ (11,80% thị phần), đứng thứ 6 xuất khẩu sang châu Âu, thứ 2 xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Đặc biệt, Việt Nam cũng trở thành nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc với thị phần 19,1%" - ông Vũ Đức Giang thông tin.

Báo cáo chi tiết về ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động tới doanh nghiệp dệt may và da giày trong năm qua, bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động - thông tin, có tới 94,2% doanh nghiệp da giày, 87,1% doanh nghiệp dệt may bị giảm đơn hàng, 84,5% doanh nghiệp da giày, 53,5% doanh nghiệp dệt may bị khách hoãn hủy đơn và 74,8 doanh nghiệp da giày, 22,9% doanh nghiệp dệt may không xuất khẩu được.

Một điểm đặc biệt mà khảo sát doanh nghiệp được bà Chi chỉ ra, dịch Covid-19 đã khiến cho các doanh nghiệp tăng mạnh nhu cầu liên kết với các doanh nghiệp khác tại Việt Nam. Cụ thể, nhu cầu liên kết giữa các doanh nghiệp trong Covid-19 gồm: Liên kết để mua bán nguyên vật liệu trong nước để thay thế nguồn cung nhập khẩu bị gián đoạn hoặc có giá thành cao hơn; liên kết để chia sẻ đơn hàng, đặc biệt giữa các công ty lớn và các công ty vừa và nhỏ; liên kết để học hỏi kinh nghiệm của nhau như công nghệ, máy móc, thực hiện các tiêu chuẩn môi trường (như xử lý nước thải, dùng năng lượng mặt trời...) và các vấn đề khác.

Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động cho thấy, 46,6% doanh nghiệp đã thực hiện việc liên kết với doanh nghiệp khác và 39,5% dự định thực hiện việc liên kết trong thời gian 1-3 năm tới.

Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp đa phần thiếu các kênh thông tin và cơ chế hỗ trợ để liên kết. Ví dụ, hiện chưa có một cổng thông tin toàn diện về ngành dệt may và giày dép - túi xách ở Việt Nam cho phép các doanh nghiệp có thể tìm kiếm các đối tác hợp tác hiệu quả. Do đó, đa phần là “tự thân vận động” bằng cách tìm hiểu qua truyền miệng hoặc quan hệ cá nhân. Cách làm hiện tại rất hạn chế về thông tin.

Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và thương mại TNG, khi dịch Covid-19 xảy ra, việc đứt gãy nguyên phụ liệu từ nước ngoài khiến doanh nghiệp gặp khó, buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn cung từ các nhà cung ứng trong nước. Chính Covid-19 đã kéo doanh nghiệp trong nước “lại gần” nhau hơn, kết nối tốt hơn.

Để kéo đơn hàng, cộng đồng doanh nghiệp phải xây dựng liên kết chuỗi chặt chẽ, chia sẻ thông tin, giải pháp công nghệ, quản trị, đặc biệt là chia sẻ về những đơn hàng trong bối cảnh Covid-19. "Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó nhưng nhiều doanh nghiệp nhận đơn hàng rất lớn. Hiệp hội đã tốt việc kết nối và san sẻ đơn hàng tăng khả năng xuất khẩu cho doanh nghiệp", ông Giang cho hay.

Dự báo về khả năng khôi phục của ngành dệt may - da giày, theo Vitas, nhu cầu của châu Âu và Hoa Kỳ trong năm 2020 giảm lần lượt là 45% và 40% với hàng may mặc, giảm 27% và 21% với giày dép. Cho tới thời điểm quý 4/2020, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Hoa Kỳ và châu Âu, khiến cho thời điểm hồi phục của ngành thời trang về mức trước khi đại dịch được dự đoán là cuối năm 2022, đầu năm 2023.

Ông Nguyễn Văn Thời cho biết thêm, nhu cầu thế giới có sụt giảm trong năm tới, nhưng sẽ không nhiều lắm. Rõ ràng thị trường chúng ta có, nhưng quan trọng chúng ta có cạnh tranh được với các nước như Ấn Độ, Trung Quốc... hay không.

“Chúng tôi hoàn toàn có đủ tự tin, về nguyên liệu, công ty đã làm với các nhãn hàng lớn, đã ký đơn hàng đến tháng 6/2021, đặt tiền mua nguyên liệu từ các nhà cung cấp. Về cơ bản, những doanh nghiệp lớn, có công nghệ, quản trị sẽ không gặp nhiều khó khăn. Năm 2021 vẫn sẽ chưa hết khó, nhưng 2022-2023 sẽ bật lên rất mạnh” - ông Nguyễn Văn Thời nhận định.

Theo dự báo của ông Vũ Đức Giang, trong những năm tới, ngành dệt may, da giày sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do dư âm của đại dịch. Để ngành dệt may, da giày vững bước vượt qua thách thức, hiệp hội đã đề ra các kịch bản và tăng cường nhiều giải pháp hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp tăng khả năng sản xuất và thích ứng với các thị trường xuất khẩu.

"Chúng ta sẽ vượt khó 2021, 2022, thậm chí 2023. Dự báo, cuối quý III/2023 nếu Covid-19 kiểm soát được thì ngành dệt may, da giày sẽ về lại được trạng thái bình thường của năm 2019" - ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Kiều Oanh- Tuệ Minh