Khảo sát đối với khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ do Tổng cục Thống kê và Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC) thực hiện năm 2019, cho biết, liên quan đến tài chính, chỉ có 1% số doanh nghiệp tự nhận mình có thế mạnh về tài chính. Khoảng 20% doanh nghiệp trả lời rằng khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn.
Điều đó cho thấy, năng lực tài chính của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang hạn chế.
Trao đổi với PV VietNamNet, bà Nguyễn Thị Xuân Thuý, PGĐ Trung tâm IDC nhìn nhận, vấn đề về tài chính cũng là một trong vấn đề mà các Tập đoàn sẽ đánh giá nhà cung ứng để xem liệu doanh nghiệp có tài chính ổn định để đảm bảo cung cấp đơn hàng được không?
Bà Nguyễn Thị Xuân Thuý, PGĐ Trung tâm IDC |
Tương tự như vậy, khi ngân hàng đi đánh giá để quyết định có cấp vốn cho doanh nghiệp hay không, họ nhìn vào năng lực tài chính đấy để họ quyết định cấp vốn.
“Bản thân doanh nghiệp tự đánh giá mà còn cảm thấy không tự tin về năng lực tài chính thì năng lực tiếp cận được vốn hạn chế là tất yếu”, bà Thuý nhìn nhận.
Bà cũn cho biết, qua kháo sát, mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp đầu tiên là ưu đãi về thuế, thứ hai là đơn giản hóa các thủ tục hành chính và cái thứ ba là khả năng tiếp cận về vốn tốt hơn.
Chúng ta thấy vốn là một trong những nguồn đầu vào đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động được hiệu quả, nhưng ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và họ cũng phải đảm bảo hiệu quả hoạt động của họ bằng việc cho vay các doanh nghiệp có hoạt động tốt và đảm bảo được cái khả năng trả lại vốn vay.
Ngân hàng và doanh nghiệp CNHT còn một khoảng cách lớn |
Chính vì vậy, doanh nghiệp khiến ngân hàng vẫn cảm thấy quan ngại không có tài sản thế chấp hay không có nguồn đảm bảo cho vốn vay thì rất khó ép họ phải cho vay. Nhưng cũng có rất nhiều doanh nghiệp hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của ngân hàng nhưng vì lãi suất cao, họ không thể vay.
“Cùng đó, còn một khó khăn khác là, khi các nhà mua hàng đi đánh giá nhà cung ứng, họ nói rằng, chúng tôi rất muốn doanh nghiệp này cung cấp linh kiện cho chúng tôi nhưng để làm được, doanh nghiệp phải đầu tư them một số máy móc thiết bị để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm. Thế nhưng doanh nghiệp CNHT của Việt Nam cũng e ngại khi bày tỏ, không thể đầu tư bởi vì để vay vốn đầu tư máy móc thiết bị này rất lớn và không biết đến bao giờ họ mới thu hồi lại được vốn”, bà Thuý cho biết.
Từ thực trạng này, bà Thuý cho rằng, chúng ta cần phải có những chính sách cho các đối tượng doanh nghiệp khác nhau. Với những doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện cao về tiếp cận vốn thì cần phải tìm giải pháp thu hẹp khoảng cách giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp đủ khả năng tiếp cận vốn nhưng họ lại không muốn tiếp cận thì lúc đó, câu chuyện hỗ trợ lại là cần chi phí vốn thấp hoặc có nguồn hỗ trợ nào đó để họ có thể không cần phải đầu tư hết vào máy móc thiết bị. Ví dụ, một số doanh nghiệp cùng chung đầu tư vào máy móc thiết bị để giảm chi phí vốn và tăng hiệu quả hơn.
“Ở đây chúng tôi cũng nghĩ là không thể đổ hết cho ngân hàng hay đổ hết cho doanh nghiệp. Chúng ta cần xác định xem vấn đề nằm ở đâu để chúng ta đưa ngân hàng và doanh nghiệp đến gần với nhau hơn”, bà Thuý nói.
Theo các chuyên gia, câu chuyện quan hệ giữa ngân hàng- doanh nghiệp CNHT vẫn phải được giải quyết mấu chốt ở năng lực cạnh tranh. Bản thân, ngân hàng cũng muốn cấp được nhiều vốn cho DN thì hoạt động của họ càng tăng lên, càng có hiệu quả. Ngược lại, bản thân DN cũng phải đủ năng lực để hấp thụ nguồn vốn mà ngân hàng cấp. Để đủ năng lực hấp thụ vốn, đầu tiên DN phải hoạt động tốt, có đơn hàng, có năng lực cạnh tranh để lấy được các đơn hàng…Các vấn đề này còn liên quan đến năng lực kỹ thuật, trình độ sản xuất, công nghệ, nguồn nhân lực.
Băng Dương (ghi)