Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hàng chục nghìn người lao động Lào Cai bị mất việc làm, đời sống khó khăn do mất nguồn thu nhập.
Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, anh Hoàng Seo Guảng, thôn Sấn Pản, xã Nậm Chảy, Mường Khương, không thể đi lao động bên nước bạn, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Vì là lao động chính nên anh buộc phải tìm công việc mới để có thu nhập.
Ảnh minh họa: Tuấn Kiệt |
Nhận sự hỗ trợ vốn, phân bón và giống từ ngân hàng và chính quyền địa phương, anh bắt tay vào trồng 0,5ha bí đỏ. Bí đỏ của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt, quả to, mẫu mã đẹp. Với giá bán tại vườn 3.000 đồng/kg, gia đình anh thu lãi khoảng 5-7 triệu đồng/ha. “Đồng đất quê hương mình nhiều lại được Nhà nước chăm lo hỗ trợ, cứ chăm chỉ, chịu khó, thể nào nông dân như chúng tôi cũng đủ sống và lo cho gia đình,” anh Guảng chia sẻ.
Cách trung tâm thị xã Sa Pa gần 10km, xã Tả Van là một điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng với hơn 100 hộ làm dịch vụ homestay, cùng hàng chục cơ sở kinh doanh các dịch vụ du lịch như ăn uống, tắm thuốc dân tộc… Đây cũng là một trong những điểm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 trong hai năm qua.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hơn 200 homestay ở Sa Pa hiện không có khách hoặc đón khách cầm chừng kéo theo lượng lớn lao động mất việc làm. Trước tác động của dịch COVID-19, theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có khoảng 15-20% cơ sở lưu trú dừng hoạt động, các cơ sở lưu trú còn lại đa số chỉ có khách trong những dịp cuối tuần, lễ tết, công suất bình quân đạt 20-30%; hơn 3.000 lao động trong lĩnh vực du lịch bị mất việc làm hoặc phải tạm nghỉ việc; các doanh nghiệp lữ hành quốc tế tạm dừng hoàn toàn hoạt động liên quan đến thị trường nước ngoài.
Không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch, hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa bị ảnh hưởng nặng nề, kéo theo đó là việc làm và thu nhập của người lao động trong ngành này bị sụt giảm.
Nhằm giúp người lao động vượt qua khó khăn, tìm kiếm việc làm mới, các cấp chính quyền địa phương, đơn vị đã tìm nhiều giải pháp nỗ lực "giải bài toán" lao động, việc làm trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai Trương Hồng Trường cho biết, số lao động trên địa bàn tỉnh Lào Cai đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2020 tăng gần gấp đôi so với năm trước. Riêng 5 tháng đầu năm nay, con số này lên tới gần 1.000 trường hợp, bằng cả năm 2019. Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2021 được dự báo còn nhiều khó khăn trong công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động do dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, đây là thách thức lớn đối với ngành lao động tỉnh Lào Cai.
Mặc dù vậy, trên thực tế, lao động các ngành nghề du lịch, dịch vụ..., gặp nhiều khó khăn hơn những người nông dân vốn có sẵn trong tay tư liệu sản xuất. Các cấp ủy, chính quyền tỉnh Lào Cai luôn xác định, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm.
Phát huy vai trò cầu nối giữa người lao động với doanh nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp tích cực thực hiện công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai bám sát chỉ đạo của tỉnh, tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ngành có liên quan, tuyên truyền các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động này; đẩy mạnh công tác điều ra, rà soát số lao động thiếu việc làm, thất nghiệp nhằm định hướng và tư vấn, khuyến khích người lao động tham gia học nghề.
Thanh Hùng