Truyền bá thông điệp độc hại
Gần đây, cuốn sách Vì cậu là bạn nhỏ của tớ - ấn phẩm ra mắt tháng 12/2023 của TikToker Tun Phạm - gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.
Theo giới thiệu, cuốn sách xoay quanh góc nhìn của tác giả về giới trẻ, đưa ra những câu chuyện giúp gen Z hiểu hơn về nội tâm, ứng xử trong đời sống, biết cách hạnh phúc tự thân, khám phá giá trị chính mình...
Trong một chương, Tun Phạm đề cập đến phụ nữ với chủ đề: "Phụ nữ thành công, họ làm gì?". Ở đoạn mở đầu, nam MC bị chỉ trích vì quan điểm: "Phụ nữ là món quà vô cùng tuyệt vời mà tạo hóa đã ban tặng cho đàn ông".
Cộng đồng mạng cho rằng Tun Phạm đang hạ thấp giá trị phụ nữ, ám chỉ phái nữ là "vật phẩm" của đàn ông. Nhiều người phản đối cách tác giả áp đặt ý kiến chủ quan, truyền đạt những tư tưởng thiếu cởi mở, có phần "nam tính độc hại" đến người đọc.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân đưa ra quan điểm: "Khi so sánh phụ nữ với một món quà, nếu suy nghĩ sâu xa, sẽ thấy Tun Phạm nhìn phụ nữ bằng cái nhìn rất bề trên, kẻ cả. Vì nếu là món quà thì chúng ta sẽ liên tưởng đến chuyện mua, tặng, cho, bán, vứt bỏ… và so sánh như vậy thì rất xúc phạm".
Nhà văn Hoài Hương - Hội viên Hội nhà văn TPHCM - cũng phản đối nội dung mà Tun Phạm truyền đạt.
Bà chia sẻ: "Thời hiện đại nhưng vẫn có người cho rằng phụ nữ là món quà mà tạo hóa ban tặng đàn ông? Vấn đề ở đây không chỉ nằm ở chữ "món quà" mà còn là chữ "tặng đàn ông".
Lâu nay chúng ta vẫn luôn tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ, đấu tranh cho sự bình đẳng giới, vẫn nói rằng "phụ nữ là một nửa thế giới". Còn tác giả muốn trở về thời phong kiến hay sao?".
Nhiều khán giả chỉ ra rằng Tun Phạm là một nhà sáng tạo nội dung được nhiều người biết đến với hơn 3 triệu lượt theo dõi trên TikTok, việc viết sách có nội dung lệch lạc sẽ dễ tạo ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.
"Đây là câu chữ đã in ra trong sách, đã được phát hành. Đó không phải là một câu nói chốn riêng tư giữa hai người. Và Tun Phạm là một hot TikToker, quan điểm cá nhân của tác giả sẽ ảnh hưởng đến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, khiến cho họ cũng có cái nhìn lệch lạc theo.
Tôi luôn cho rằng điều quan trọng không phải nói cái gì, mà quan trọng nhất ở chỗ người nói là ai, ở vị trí nào và nói ở đâu!", nhà văn Hà Thanh Vân cho hay.
Về vấn đề này, nhà văn Hoài Hương nhận định các ấn phẩm chưa chuẩn mực về nội dung, thậm chí có thể gọi là "độc hại", sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều đến người đọc. Tuy nhiên, nhà văn tin tưởng thế hệ trẻ ngày nay rất thông minh, đủ nhận thức để phân biệt đúng sai.
"Đừng nghĩ đơn giản rằng các KOL (người có sức ảnh hưởng - PV) ra sách nhảm nhí là nghiễm nhiên có độc giả ủng hộ. Khán giả bây giờ đủ tư duy, kiến thức để phân biệt những tư tưởng nào tốt, những tư tưởng nào lệch lạc", bà Hương nói.
Mạng xã hội làm rẻ rúng văn chương?
Bên cạnh tranh cãi về thông điệp, nội dung trong sách, tác phẩm của Tun Phạm cũng bị đặt dấu hỏi về cách diễn đạt, hành văn. Dù đã được xuất bản thành sách, Vì cậu là bạn nhỏ của tớ vẫn có nhiều nội dung sáo rỗng, ngô nghê.
Một số ý kiến chỉ ra nội dung trong sách được "xào nấu" từ nhiều nguồn, không thực sự có tư duy của tác giả. Phải chăng khi một người nổi tiếng, có hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội thì dễ dàng viết sách, xuất bản sách và nghiễm nhiên mang mác "tác giả", "nhà văn"?
"Thời đại mạng xã hội làm rẻ rúng văn chương, in sách của những KOL không có kiến thức, văn tài, biến các nhà xuất bản trở nên tầm thường, thương mại", một ý kiến thẳng thắn của khán giả L.Viet.
Nhà văn Hà Thanh Vân đưa ra quan điểm: "Đây là một cuốn sách mang tham vọng… dạy đời của một người chưa từng trải, không đủ vốn sống, không sâu sắc.
Tôi không nói đến tuổi tác của bạn ấy vì không thể dùng lý do trẻ tuổi ở đây. Thực tế là có nhiều bạn trẻ rất tài giỏi, sâu sắc và cũng đã có những kinh nghiệm sống thú vị, viết văn hay.
Bạn Tun Phạm viết một cuốn được gọi là sách này với chất lượng kém cỏi không phải vì lỗi do tuổi trẻ, mà là do trình độ và nhận thức của bạn ấy nông cạn".
Tiến sĩ Hà Thanh Vân cũng chỉ ra rằng ngày nay, nhiều Facebooker, TikToker cóp nhặt văn chương, viết một vài bài theo thuật ngữ "văn học mạng". Điều nguy hiểm là khi những người này được cộng đồng mạng tung hô, họ sẽ bị ảo tưởng, ra sách và nghĩ bản thân là nhà văn.
"Văn chương đích thực cần tài năng, cần kiến thức, cần sự cần cù, chăm chỉ, chứ không phải là những câu nói dạy đời, nói đạo lý sáo rỗng và nhảm nhí, thậm chí còn sai cả cấu trúc câu và ngữ pháp!
Độc giả có trình độ, am hiểu văn chương sẽ biết để tự tránh xa, nhưng nhiều độc giả lóa mắt, không am hiểu sẽ đề cao những người viết như Tun Phạm. Tôi cho rằng rất cần những sự lên tiếng rộng rãi cho công chúng biết để tránh tình trạng "mạng xã hội làm rẻ rúng văn chương"", tiến sĩ Hà Thanh Vân cho hay.
Kiểm duyệt sách vì sao lỏng lẻo?
Mở rộng vấn đề từ tranh cãi của Tun Phạm, khán giả đặt dấu hỏi về việc kiểm duyệt sách. Vì sao những ấn phẩm lắm "sạn", biên soạn cẩu thả, kiến thức và ngôn từ lệch lạc vẫn được cấp phép xuất bản? Phải chăng các nhà xuất bản (NXB) đang buông lỏng khâu quản lý?
Giới chuyên gia trong ngành cho biết tình trạng sách nhiều "sạn" vẫn dễ dàng "lọt lưới", xuất phát từ quy trình "liên kết xuất bản".
Theo đó, đây là quá trình hợp tác giữa tác giả, NXB, cơ sở in ấn, đơn vị truyền thông... Khi sách được xuất bản dưới hình thức liên kết, khâu biên tập lỏng lẻo hơn nên dễ mắc lỗi kiến thức, văn chương.
Tại hội thảo Đổi mới, nâng cao hiệu quả của liên kết xuất bản tổ chức tháng 9/2023, đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành từng chỉ hạn chế của mô hình liên kết xuất bản là một số NXB thiếu chủ động, không thực hiện nghiêm quy trình biên tập, đưa ra thị trường những cuốn sách kém chất lượng gây bức xúc dư luận…
Giải thích thêm với phóng viên Dân trí, nhà văn Hoài Hương cho hay: "Sách liên kết nói nôm na là đi mua giấy phép của các NXB rồi in và phát hành. Thông thường, những cuốn sách không vi phạm quy định pháp luật, sách "vô thưởng vô phạt" thì khâu cấp giấy phép của NXB rất nhanh gọn.
Ngoài ra, mọi người cũng cần phân biệt rõ, sách của Tun Phạm là sách kỹ năng sống, không phải sách truyện văn chương. Do đó, khâu biên tập có thể dễ dãi, buông lỏng hơn. Theo tôi, các bạn biên tập sách hiện nay trình độ cũng rất kém cỏi. Các bạn không nắm được cuốn sách đạo nhái hay không, câu cú có phù hợp hay không".
Theo nhà văn Hoài Hương, ngày nay nhiều NXB tư nhân chịu áp lực doanh thu, qua đó dễ dẫn đến tình trạng xuất bản tràn lan nhiều đầu sách kém chất lượng, gây "loạn" văn hóa đọc cho độc giả.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, Tiến sĩ Hà Thanh Vân cũng cho biết bà nhiều lần lên tiếng đề nghị bổ sung điều luật quy định về việc xuất bản tác phẩm kém chất lượng.
"Tôi cho rằng việc phân biệt, chỉ ra các tác phẩm kém chất lượng nên theo phản ánh của dư luận xã hội và theo thẩm định của những hội đồng chuyên môn của các cơ quan có thẩm quyền.
Khi có kết luận là sách kém chất lượng, nội dung gây ảnh hưởng tiêu cực đến độc giả, nhưng chưa đến mức vi phạm pháp luật thì NXB, công ty sách… xuất bản tác phẩm đó phải nộp phạt bằng tiền. Có như vậy thì chất lượng sách in ấn mới được chú trọng hơn", bà Vân nói.
Quay trở lại sự việc của Tun Phạm, Tiến sĩ Hà Thanh Vân đưa ra quan điểm không chỉ tác giả chịu trách nhiệm về cuốn sách kém chất lượng mà đội ngũ biên tập, cấp phép in ấn cũng phải có phần chịu trách nhiệm.
Liên quan vấn đề này, phóng viên Dân trí đã liên hệ phía Cục Xuất bản, In và Phát hành, song chưa có phản hồi.
Tun Phạm tên thật là Phạm Đức Huy, 27 tuổi, là MC, nhà sáng tạo nội dung quen thuộc với giới trẻ. Các trang mạng xã hội của Tun Phạm có từ 500.000 đến 3,4 triệu người theo dõi, gây chú ý bởi loạt video tình huống hài hước. |
(Theo Dân Trí)