Còn chưa tới một tháng nữa đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, các nền tảng thương mại điện tử đều gia tăng lượng hàng hoá, tung nhiều chương trình khuyến mại, dự báo tăng trưởng mạnh hơn cùng kỳ. Vài bên có kế hoạch giao hàng xuyên Tết.
Bên trong kho hàng tiêu dùng của một nền tảng thương mại điện tử. |
Ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng giám đốc Phát triển doanh nghiệp tại Tiki, dự báo doanh số năm nay sẽ tăng 70% so với cùng kỳ. Điều này do nhu cầu mua sắm tăng mạnh dịp Tết cổ truyền. Bên cạnh đó, trong bối cảnh tình hình đi lại còn nhiều hạn chế để phòng chống dịch bệnh, người dân có xu hướng ở nhà nhiều hơn, vì vậy nhu cầu mua sắm cũng tăng cao, đặc biệt ở những mặt hàng tiêu dùng, tươi sống, điện tử - điện lạnh...
Trả lời ICTnews, đại diện Lazada khẳng định cuối năm Âm lịch là một trong những thời điểm mua sắm nhộn nhịp nhất năm đối với người Việt. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người tiêu dùng ưa chuộng mua sắm online hơn. Các mặt hàng bách hóa và nhà cửa đời sống, điện tử và sức khỏe, làm đẹp dự kiến có sức mua tăng.
Dự báo nhu cầu một số ngành hàng tăng lên, các nền tảng mua sắm online cũng trữ hàng đủ để đáp ứng nhu cầu người mua. Ở ngành hàng tiêu dùng, Tiki cho hay đã tăng ít nhất 30% lượng cung hàng hóa so với dịp Tết năm ngoái, tập trung vào các sản phẩm thiết yếu như thực phẩm khô, thức uống, sản phẩm dinh dưỡng, sữa, gia vị…
Đồng thời, sàn cũng phối hợp cùng các nhà bán chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết từ 3 tháng trước, từ việc sản xuất, nhập khẩu mặt hàng thực phẩm, thời trang, trang sức…, đến thiết kế và sản xuất bao bì mới, các giỏ quà mang không khí Tết cũng như đảm bảo bình ổn giá.
Ở ngành hàng tươi sống, các sản phẩm tươi như trái cây, rau củ, thịt, hải sản, thực phẩm chế biến sẵn, đến thực phẩm đông lạnh, thực phẩm khô… được kết hợp với các nhà bán lớn để trữ và bảo quản.
Với ngành hàng điện tử - điện lạnh, ngoài việc chuẩn bị sản phẩm ở các phân khúc giá rẻ đến cao cấp, Tiki kéo dài dịch vụ giao hàng và lắp đặt theo lịch hẹn đến 10 giờ tối mỗi ngày, đáp ứng nhu cầu cuối năm.
Để chuẩn bị cho giai đoạn cao điểm của mùa mua sắm dịp Tết, Shopee vừa tăng cường thêm một kho hoàn tất đơn hàng thứ 3 tại Củ Chi, TP.HCM. Đây là khu vực không bị cấm xe vào giờ cao điểm đáp ứng lưu lượng giao nhận hàng 24/24, tạo điều kiện cho việc vận chuyển hoạt động hiệu quả hơn. Vị trí kho hàng này thuận tiện để chuyển hàng đến các tỉnh Miền Trung và khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.
Do nhu cầu tăng lên, việc tối ưu vận hành kho bãi được tất cả các bên triển khai mạnh mẽ. Các kho sẽ thực hiện quy hoạch chi tiết từng khu vực trong toàn bộ quy trình, từ phân loại hàng hóa, vận chuyển nội bộ đến lưu kho, đóng gói; hệ thống xe nâng, dỡ hàng được sắp xếp cho phù hợp với đặc điểm của từng khu vực. Điều này giúp nhân viên tiết kiệm nhiều thời gian trong quy trình xử lý khâu nhập - lưu sản phẩm cũng như công tác chuẩn bị đơn hàng, hỗ trợ tối đa cho các đối tác giao hàng.
Kho được tích hợp hệ thống quản lý chuyên biệt nhằm truy cứu vị trí hàng hóa ngay từ khi người mua đặt hàng; quy trình di chuyển theo băng chuyền để có thể đưa hàng đến người giao hàng chính xác và hợp lý, tiết kiệm thời gian chờ.
Nhu cầu mua hàng tăng cao từ cận đến sau Tết khiến một số bên thực hiện giao hàng xuyên Tết. Năm nay, ngoài Tiki vận chuyển hàng hoá xuyên Tết như truyền thống, Shopee cũng tung dịch vụ này: giao hàng từ 30 đến hết mùng 5 Tết ở các thành phố lớn (thông thường, các bên chỉ giao hàng đến 29 Tết, hoạt động trở lại vào ngày mùng 6).
Để vận chuyển hàng vào dịp nghỉ lễ, các bên phải đảm bảo được số lượng nhân viên giao hàng. Bên cạnh đó, bộ máy vận hành phía sau cũng không được về nghỉ Tết, lương và chi phí khác có thể cao hơn bình thường.
Dịch Covid-19 năm 2020 khiến nền kinh tế nói chung bị ảnh hưởng, tuy nhiên thương mại điện tử vẫn phát triển mạnh mẽ. Số liệu của bên thứ 3 do Lazada công bố cho thấy, mức độ ưa chuộng mua sắm của người Việt trong năm 2020 tăng 44%, cao nhất trong khu vực. Xét trên toàn Đông Nam Á, tổng mức tăng trưởng thương mại điện tử dự báo lên đến 63%, với 80% người dùng mới sử dụng các dịch vụ số cho biết sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ đó sau đại dịch.
Hải Đăng
Trang thương mại điện tử đang trở thành mạng xã hội
Để giữ chân người dùng lâu hơn, tăng tính tương tác, các nền tảng thương mại điện tử lớn tại Việt Nam đang tích hợp tính năng mạng xã hội vào ứng dụng của họ.