Tác phẩm ‘Trong vô tận’ của nhà văn Vĩnh Quyền đã đạt Giải thưởng Văn học ASEAN 2021. Cuốn tiểu thuyết gây tiếng vang trên văn đàn trong nước và quốc tế nhờ chiều sâu tư tưởng, cảm hứng lịch sử và thi pháp sáng tác độc đáo.
Câu chuyện bắt đầu từ một thanh niên Việt sống nhiều năm trên đất Mỹ, rồi một ngày đột ngột biết mình có người cha sống cô độc ở Huế và ông đang hôn mê sâu. Trong thời gian đó, cha anh tỉnh lại một lần duy nhất, nhìn và nắm tay con trai, kết nối đầu tiên cũng là cuối cùng.
Mười ngày chăm sóc cha giữa biệt phủ hoang vắng của gia tộc, "trò chuyện" với người cha - một tiến sĩ dân tộc học, qua các ghi chép tản mạn tìm thấy trong laptop của ông, người con lần tìm về nguồn cội... Hành trình nhân vật tự hàn gắn đứt gãy để kết nối quá khứ vô tận của dân tộc là chủ đề của tiểu thuyết Trong vô tận.
Bằng thủ pháp liên văn bản, rất nhiều mảnh ghép vừa mang tính độc lập vừa tạo được sự gắn kết với toàn cục: vụ cảm tử quân triều đình Huế xâm nhập Tòa khâm sứ Pháp tìm hủy văn bản điều ước bất lợi trước khi nó được đưa về Paris mở ra cái nhìn bi tráng về chiến tranh Việt-Pháp; hình ảnh cô đào Bắc kỳ ôm cây đàn đáy theo đoàn di cư vào Nam tìm cha đủ soi rọi cả cuộc phân cắt đất nước sau Hiệp định Geneve; thiên phóng sự truyền hình của một nhà báo trẻ lập tức đưa người đọc vào điểm nóng thời sự Biển Đông, cuộc khởi nghĩa Duy Tân…
Lịch sử, chiến tranh, thiên nhiên, tình yêu, cái chết… là những “chủ đề vĩnh cửu” của văn học nhân loại. Câu chuyện Trong vô tận trải dài suốt thế kỉ XX đến thập niên thứ hai của thế kỉ XXI. Suốt 120 năm đó, Việt Nam đã phải trải qua nhiều biến động, nhiều đổi thay.
Giữa bộn bề của chiến tranh, mưu kế, hiểm nguy và cái chết, vẫn hiện lên một không gian xứ Huế đắm mình trong cỏ cây hoa lá và dòng sông, bến nước, con đò. Thiên nhiên như một nhân vật đặc biệt có thể xoa dịu vết thương đời, vết thương lòng. Thiên nhiên còn là nơi chốn níu chân người tha phương quay về.
Chỉ với trên 200 trang, cuốn tiểu thuyết Trong vô tận chứa đựng nhiều mảnh đời, nhiều sự kiện lịch sử và tất cả đều tập trung cho một chủ đề lớn: Kết nối quá khứ như là một hành động để hoàn thiện bản thân trong hiện tại.
Giải thưởng Văn học ASEAN 2021 là sự kiện văn học do Hoàng gia Thái Lan tổ chức, thời gian qua có sự đình hoãn do đại dịch Covid 19. Năm 2023, Công chúa thứ hai của Quốc vương Thái Lan là Sirivannavari Nariratana Rajakanya thay mặt Hoàng gia chủ trì lễ trao giải và trực tiếp tặng thưởng cho các nhà văn thuộc 10 nước (Brunei, Cambodia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam).
Trả lời phỏng vấn tại Lễ trao Giải thưởng Văn học ASEAN 2021, nhà văn Vĩnh Quyền cho biết, văn học là phương tiện giao lưu văn hóa tuyệt vời. Điều này nhằm góp phần làm thay đổi một thực trạng đã tồn tại hàng thế kỷ: người Đông Nam Á am hiểu lịch sử, văn hóa và thời sự của các nước phương Tây hơn là các nước láng giềng. Ngoại trừ Philippines và Singapore đã có truyền thống sáng tác và xuất bản Anh ngữ, ở các nước còn lại, số lượng tác phẩm được chuyển ngữ rất khiêm tốn.
Các dịch giả, NXB Đông Nam Á cho rằng văn học các nước trong khu vực chưa xứng đáng để dịch và giới thiệu, lại thêm thực tế thị phần này còn rất nhỏ trong thị trường sách. Điều đó khiến nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu văn học và những bạn đọc Đông Nam Á nếu muốn tìm hiểu văn học của nhau cũng không dễ.
“Tôi ao ước các tác phẩm được trao giải từ năm 1979 đến nay sẽ được tổ chức thành một Tủ sách Văn chương Đông Nam Á, tuyển dịch sang tiếng Anh, xuất bản và giới thiệu trong khu vực cũng như thế giới”, nhà văn Vĩnh Quyền bày tỏ.
Nhà văn Vĩnh Quyền
Nhà văn Vĩnh Quyền là tác giả cuốn sách Debris of Debris, tiểu thuyết về thời hậu chiến Việt Nam, xuất bản tại Mỹ năm 2009 và tại Anh năm 2014, lưu trữ tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Bản tiếng Việt Mảnh vỡ của mảnh vỡ đoạt Giải Nhì (không có Giải Nhất) Cuộc thi tiểu thuyết 2011-2015 của Hội Nhà văn Việt Nam.
Một số tác phẩm của ông: Sói hoàng hôn (The Dusk Wolf), Chiều hoang đường đứt gãy (NXB Trẻ 2013); các tiểu thuyết: Vầng trăng ban ngày, Mạch nước trong, Trước rạng đông; các tập truyện ngắn: Người tử tù không chết, Người vẽ chân dung thế gian, Màu da thượng đế…