Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng, Đoàn Chèo Hải Phòng phối hợp công diễn vở Mưa đỏ (NSND Trịnh Thúy Mùi đạo diễn). Đây cũng là vở diễn nằm trong chương trình Sân khấu truyền hình Hải Phòng số tháng 7/2023.
Kịch bản chèo Mưa đỏ được tác giả Đức Minh chuyển thể từ kịch bản văn học Bản giao hưởng máu (Mưa đỏ) của nhà văn Chu Lai. Tiểu thuyết Mưa đỏ từng đoạt giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn năm 2016 và giải A Giải thưởng Bộ Quốc phòng. Kịch bản chuyển thể cùng tên của tác giả cũng đoạt giải A của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 2021.
Vở diễn xoay quanh hai nhân vật chính là Cường (chiến sĩ giải phóng) và Quang (tên chỉ huy hắc báo của ngụy). Cường - một chàng trai Hải Phòng tuổi đời đôi mươi, là sinh viên khoa Biên kịch của Trường Nghệ thuật Sân khấu. Cường là con trai duy nhất trong gia đình có bố là liệt sĩ hy sinh thời chống Pháp, mẹ là cán bộ ngoại giao.
Như bao chàng trai thời chiến, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Cường gác bút nghiên lên đường ra mặt trận. Anh được phân công vào chiến trường Quảng Trị. Tại đây, anh cùng đồng đội được giao nhiệm vụ phải bảo vệ Thành cổ, không để cho quân thù cắm cờ lên nóc thành.
Cuộc chiến đấu qua cảm nhận của tác giả - người từng vào sinh ra tử tại Thành cổ Quảng Trị đầy khốc liệt, cam go, mỗi người lính đều sẵn sàng đối đầu với cái chết nhưng bên trong đó là những khoảng bình yên, lãng mạn đầy chất thơ.
Đạo diễn, NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam cho biết, đề tài chiến tranh cách mạng luôn nóng, hấp dẫn nhưng rất khó làm, nhất là đối với chèo.
"Kịch bản của nhà văn Chu Lai đã quá nổi tiếng, nhiều đạo diễn dựng thành công nên tôi có chút áp lực. Công việc của Hội rất bận nhưng khi đọc kịch bản, tôi thấy hào hứng. Đề tài chiến tranh luôn thôi thúc người làm nghề như tôi sáng tạo, dù khó tới mấy cũng muốn chinh phục. Khi quyết định dựng tác phẩm này, tác giả kịch bản có chút nghi ngờ, càng khiến ‘máu nghề’ trong tôi sôi sục, phải làm cho bằng được”, NSND Trịnh Thuý Mùi tâm sự.
Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam cho biết, Chu Lai là người bước ra từ cuộc chiến, viết nhiều tác phẩm về người lính, chiến tranh, những nhân vật ông viết rất kỹ lưỡng. Cho nên, chuyển tải một tác phẩm đầy tính văn học như thế sang kịch bản chèo là thách thức.
“Tất cả các tác giả chèo chưa đạt tới đỉnh ngôn ngữ như Chu Lai, cho nên tính văn học trong tác phẩm phải giữ nguyên. Kịch bản của nhà văn Chu Lai viết rất nhiều cảnh, nhưng đối với chèo không được phép có nhiều bối cảnh như vậy. Chúng tôi đã chắt lọc để đảm bảo các tình tiết, ngôn ngữ trong kịch bản mà vẫn mang hơi thở của chèo hôm nay”, NSND Trịnh Thuý Mùi tâm sự.
Vở diễn quy tụ gần 70 diễn viên, NSND Trịnh Thuý Mùi phải huy động nhân lực của các đơn vị khác như cải lương, múa rối, kịch cùng tham gia vì quân số của Nhà hát Chèo Hải Phòng không đủ.
“Định hướng của Sân khấu truyền hình Hải Phòng là thỉnh thoảng phải có gương mặt khách mời tạo làn gió mới. Thế nên, tôi mời nghệ sĩ Nhật Hóa của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa vào vai Cường”, NSND Trịnh Thuý Mùi cho hay.
Diễn viên Nhật Hóa bày tỏ vui mừng trước sự sáng tạo của ê-kíp để anh có cơ hội làm việc trong môi trường nghệ thuật đa dạng, được giao lưu cùng đồng nghiệp.
“Vai diễn của tôi khá nặng nhưng ấn tượng. Từ một chàng sinh viên rời quê hương vào mảnh đất Quảng Trị để bảo vệ Thành cổ, được hóa thân vào nhân vật, được sống lại quãng thời gian hào hùng, oanh liệt của dân tộc mà thế hệ 9X như tôi chỉ được nghe kể lại. Từ hôm nhận kịch bản tới buổi tổng duyệt chỉ vỏn vẹn 10 ngày, nhưng dưới sự hướng dẫn của ê-kíp cùng đồng nghiệp, tôi hoà nhập rất nhanh để truyền tải hết thông điệp của vở diễn tới khán giả”, diễn viên Nhật Hoá chia sẻ.
Vào vai thanh niên du kích kiêm cô lái đò, nghệ sĩ Thùy Dương (Đoàn Chèo Hải Phòng) cho biết, 17 năm qua chưa từng tham gia vai diễn nào về đề tài chiến tranh cách mạng.
“Tôi sinh năm 1984, nhận vai cô sinh viên 19 tuổi vào chiến trường. Đây là vai diễn tôi rất mong chờ bởi nhân vật có nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, nội tâm giằng xé, sự đau khổ tột cùng nên được thỏa sức sáng tạo. Tôi mê nhân vật tới mức rời sân khấu vẫn không thoát được vai.
Vào vai cô sinh viên bằng nửa tuổi thực của mình, để thật trẻ trung đúng với nhân vật là quá trình rèn giũa bản thân khủng khiếp. Tôi phải giảm 5kg cho phù hợp với vai diễn”, Thuỳ Dương nói.
Sau khi xem xong vở diễn, chia sẻ với VietNamNet, nhà văn Chu Lai bày tỏ sự hài lòng với bản dựng của NSND Trịnh Thuý Mùi. Ông nói: "Những lời ca đã truyền tải được nội tâm nhân vật sâu sắc. Mỗi loại hình nghệ thuật có ưu thế riêng. Kịch bản này, phiên bản kịch nói làm theo kiểu ‘sấm chớp ngang trời’. Nhưng với phiên bản chèo có sự lắng sâu nhưng vẫn giữ được hào khí của một thời trận mạc và tinh thần ‘hoà bình dân tộc’ mà tôi muốn gửi gắm: Cái gì đã qua nên để nó qua đi.
Tôi ấn tượng với cảnh kết của vở diễn, rất xúc động. Hai người mẹ ở hai bên chiến tuyến đều có chung một mong muốn con mình không phải ra trận, con không chết ở chiến trường. Nhưng cuối cùng, họ có chung nỗi đau mất con”, nhà văn Chu Lai chia sẻ.
Trích đoạn trong vở 'Mưa đỏ':
Video: Tuyết Mai Đặng