Hơn một tuần trở lại đây, khu du lịch Sa Pa (Lào Cai) tạm dừng đón khách, nhà hàng, khách sạn tạm nghỉ, khiến cho các trang trại nuôi cá hồi “đứng ngồi không yên” bởi không có nơi tiêu thụ.
Người nuôi cá hồi ở Sapa đang khó khăn
Trước đây, trang trại cá hồi của gia đình anh Bùi Huy Đông, thôn Dền Thàng, xã Tả Van (Sa Pa) mỗi ngày xuất bán được hơn 1 tấn cá thương phẩm với giá 250.000 đồng/kg.
Từ ngày có dịch Covid-19, giá cá giảm thê thảm chỉ còn 150.000 – 160.000 đồng/kg và đáng lo hơn là không có thương lái đến hỏi mua. Hiện trang trại của anh đang tồn hơn 40 tấn cá thương phẩm.
“Đàn cá đến tuổi bán rồi mà bây giờ không có đầu ra… mà con cá hồi này nuôi rất khó, đến tuổi mà không bán được thì nó đẻ trứng xong sẽ tự chết”, anh Đông cho hay.
Tại thôn Dền Thàng nơi tập trung nhiều cơ sở nuôi cá hồi của người dân xã Tả Van, các trang trại nuôi cá hồi nhỏ lẻ cũng đang tồn trung bình 1 - 2 tấn cá thương phẩm, có trang tại tồn đến 5 tấn.
Được mệnh danh là cá hoàng đế của đại dương, cá hồi luôn được giới nhà giàu, khách du lịch trong nước và quốc tế đặt mua nhiều.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giống cá nước lạnh này nuôi tại Sa Pa (Lào Cai) đang rơi vào thảm cảnh ế ẩm chưa từng có.
Hàng tấn cá đến tuổi xuất bán vẫn nằm im dưới các bể nuôi mà chưa thể xuất ra thị trường.
Vào thời điểm hiện tại, người dân nuôi cá nước lạnh ở xã Tả Van (Sa Pa, Lào Cai) đang dùng đủ mọi cách để tiêu thụ cá, song cũng không được là bao.
Theo bà Trần Thị Lan Hương, Phó phòng Kinh tế (thị xã Sa Pa) cho biết, trên địa bàn thị xã Sa Pa có trên 200 hộ nuôi cá nước lạnh, sản lượng hàng năm trên 500 tấn. Từ thời điểm xuất hiện dịch Covid-19 đến nay còn hơn 100 tấn cá chưa bán được.
“Hiện tại, chúng tôi đang kết nối với một số đơn vị thu mua cá từ các tỉnh khác như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng…và cũng khuyến khích các cơ sở nuôi cá hồi chế biến tại chỗ, cắt khúc, phi lê, chế biến dầu cá… để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vượt qua dịch bệnh” bà Trần Thị Lan Hương cho hay.
(Theo Dân trí)