Sáng Chủ nhật môt ngày cuối tháng 5 năm ngoái, một cô gái đã tốt nghiệp ĐH Harvard vừa nhận bằng cử nhân chuẩn bị rời khỏi ngôi trường này, lặng lẽ như cái cách mà cô đã tới đây.
Cha con Chủ tịch Tập Cận Bình khi con gái còn nhỏ |
Tập Minh Trạch – con gái duy nhất của Tập Cận Bình – Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và vợ ông – cựu ca sĩ nổi tiếng, bà Bành Lệ Viên – đi qua hành lang ở Adams House, ký túc xá nơi Franklin Roosevelt và Henry Kissinger từng sống. Tiểu thư họ Tập học ngành tâm lý học và tiếng Anh ở Harvard. Cô sống dưới một cái tên giả. Danh tính của cô chỉ có một vài người bạn thân biết – không đến 10 người, theo Kenji Minemura – phóng viên tờ Asahi Shimbun, người tham dự lễ nhận bằng và chuyên viết về những trải nghiệm của Tập Minh Trạch ở Mỹ.
Tiểu thư bí ẩn nhà họ Tập hầu như được che chắn khỏi sự dòm ngó của truyền thông, giống như con cái của các vị lãnh đạo cấp cao khác ở Trung Quốc. Tuy vậy, cũng có một số trường hợp lại tỏ ra rất “ồn ào” ở nước ngoài. Trước khi cựu ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Bạc Hy Lai bị ngồi tù vì tội tham nhũng, và vợ ông, bà Cốc Khai Lai ngồi tù vì tội giết người thì cậu con trai Bạc Qua Qua từng mời Jackie Chan tới Oxford, hát cùng ông trên sân khấu. Cậu ấm này từng lái chiếc Porsche trong suốt thời gian học ở Harvard. Trong khi đó, tiểu thư họ Tập lại có một cuộc sống hết sức “thanh đạm” ở Cambridge. “Cô ấy chỉ có học thôi” - – phóng viên Minemura kể với tôi.
22 tuổi, hiện Tập Minh Trạch đã trở về Trung Quốc. Dù rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng, nhưng mới đây cô cũng cùng bố mẹ có chuyến thăm Diên An – nơi mà cha cô từng làm việc trong Cuộc Cách mạng văn hóa khi ông còn rất trẻ.
Trong số tạp chí tuần trước, tôi đã xem lý lịch Tập Cận Bình và thấy ông thường nói rằng những năm tháng ở Diên An – khi mà ông mới bằng tuổi con gái lúc học ở Harvard – đã giúp ông trưởng thành. “Nhiều ý tưởng và phẩm chất tôi có được ngày hôm nay là nhờ Diên An” – ông nói.
Mặc dù đã đi nhiều nơi nhưng ông chưa bao giờ sống ở nước ngoài, không giống như những người tiền nhiệm Giang Trạch Dân (học tại Stalin Automobile Works, Moscow) và Đặng Tiểu Bình (sống ở Pháp 5 năm, từng học tập ở Liên Xô cũ), ông Tập quyết định không sống ở đâu ngoài Trung Quốc. Vợ đầu của ông muốn định cư ở Anh nhưng ông Tập không đồng ý, và họ ly dị. Khi con đường quan lộ của ông ngày càng rộng mở, ông thường xuyên có quan hệ với người phương Tây, nhưng gần đây Chính phủ của ông đã đưa ra một đường lối cứng rắn chống lại những tư tưởng ngoại.
Mới đây, Bộ trưởng Giáo dục Yuan Guiren của ông nói rằng: “Không có cách nào khác, chúng ta phải cho phép những tài liệu tuyên truyền giá trị phương Tây đi vào lớp học của chúng ta”. Nhiều người trong số chúng ta, những người đang theo dõi sự phát triển của Trung Quốc, tự hỏi rằng: “Liệu cô con gái Tập Minh Trạch đã nói gì với cha về cuộc sống ở Mỹ? Cuộc sống ở Harvard của cô như thế nào? Cuộc sống ở nơi mà không có bất cứ giới hạn nào trong các cuộc thảo luận về những giai đoạn đau khổ của Trung Quốc như thời kỳ Đại Nhảy Vọt, Cuộc Cách mạng văn hóa – đã ảnh hưởng tới thế giới quan của cô như thế nào?
Tiểu thư Tập Minh Trạch (trái) và bà Bành Lệ Viên |
Đối với công dân Trung Quốc, những tác động của việc học ở Mỹ hiếm khi chỉ đơn giản là những lời sáo rỗng là trở về quê nhà với những ý tưởng khác biệt. Các phân tích về du học sinh cho thấy, công dân Trung Quốc thường muốn ở lại Mỹ nhiều hơn công dân các quốc gia khác. 92% sinh viên Trung Quốc sau khi đã tốt nghiệp vẫn còn ở Mỹ 5 năm sau khi nhận được bằng Tiến sĩ – so với 41% ở Hàn Quốc, theo nghiên cứu của Hiệp hội Khoa học quốc gia.
Các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân là do sự bất bình đẳng và sự khác biệt trong áp lực gia đình và cơ hội nghề nghiệp. Về nhà cũng không phải luôn dễ dàng. Một khảo sát năm 2009 cho thấy 17% người Trung Quốc được hỏi thấy khó khăn khi định cư ở Mỹ, nhưng 34% thấy khó khăn để trở về nhà, vì “sốc” văn hóa, ô nhiễm và các yếu tố khác.
Trong một nghiên cứu khá toàn diện về vấn đề đi du học hình thành nên quan điểm của những người trở về như thế nào, Donglin Han và David Zweig thấy rằng những người đã sống ở nước ngoài – trong trường hợp này là những người đã sống ở Canada và Nhật Bản – tin tưởng hơn vào “chủ nghĩa hợp tác quốc tế”, và ít ủng hộ chủ nghĩa dân tộc – so với những người thuộc tầng lớp trung lưu chưa bao giờ sống ở nước ngoài.
Tuy nhiên, các tác giả cũng chỉ ra một điểm đáng chú ý: “Có một tỷ lệ đáng kể những người trở về ủng hộ chính sách đối ngoại của Trung Quốc, bất chấp nó đúng hay sai”. Đây có thể là kết quả của sự tự chọn lọc (những sinh viên theo chủ nghĩa dân tộc thường trở về nhiều hơn), nhưng nó cũng nhấn mạnh tác động khuếch đại của việc sống xa nhà. Bất cứ ai từng sống ở nước ngoài có lẽ đều biết đến cảm giác muốn giữ lại những đặc trưng quốc gia phần nào trái ngược với nơi đất khách và cảm thấy tức giận với những lời chỉ trích của người nước ngoài.
Bà Cheng Li tới từ Viện Brookings cho biết, trái với lời đồn đại về “dân chủ mưa dầm thấm lâu” – nghĩa là chỉ cần sống ở Mỹ, người nước ngoài sẽ tự thích nghi với quan điểm tự do dân chủ, thì nhiều cuốn sách có nội dung chủ nghĩa dân tộc hà khắc nhất ở Trung Quốc lại được viết bởi những du học sinh trở về.
Nếu như một ngày nào đó tiểu thư Tập Minh Trạch chọn cuộc sống công khai trước dư luận, có thể chúng ta sẽ biết cô đã mang những gì từ Mỹ vào bữa tối ở quê nhà. Trong khi đó, một số du học sinh Trung Quốc khác lại giúp làm đa dạng hóa hiểu biết của chúng ta về “dân chủ mưa dầm thấm lâu”. Hồi đầu năm nay, một văn bản có tên là “Lòng yêu nước ở ngoại quốc” đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu giáo dục quốc tế đã tập hợp những quan điểm của đội ngũ giảng viên, sinh viên Trung Quốc (giấu tên) đang sống ở nước ngoài. Một phụ nữ dạy khoa học tự nhiên nói rằng: “Ở Trung Quốc, người ta hay than vãn. Nhưng ở Mỹ, tôi muốn nhìn thấy mặt tích cực của Trung Quốc. Bạn biết đấy, có chút gì đó tự hào, tôi muốn cảm thấy tự hào khi là người Trung Quốc”.
- Nguyễn Thảo (Theo Newyorker)