Hàng loạt doanh nghiệp (DN) Việt đã chọn YouTube là kênh quảng cáo nhằm đưa sản phẩm dịch vụ lan tỏa nhiều hơn đến các phân khúc khách hàng.

Tuy nhiên, nhiều thương hiệu ngậm trái đắng khi được đặt trên các video có nội dung bẩn, phản cảm, độc hại, bạo lực. Điều này khiến uy tín của DN bị ảnh hưởng xấu và bị khách hàng quay lưng.

Tẩy chay, ngưng hợp tác là đúng

Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) mới đây tuyên bố tạm dừng tất cả quảng cáo trên YouTube để tiến hành rà soát sau khi quảng cáo của đơn vị này xuất hiện trong video của Ngô Bá Khá (Khá “bảnh”). Ngân hàng này giải thích rằng chỉ lựa chọn quảng cáo trên những nội dung phù hợp với quy định của pháp luật, đạo đức và tích cực.

Thật ra Ngân hàng MSB không phải là “nạn nhân” duy nhất của Khá “bảnh”. Bởi sau khi bị công an bắt giữ, Khá “bảnh” khai thời gian gần đây được YouTube trả tiền đăng video mỗi tháng lên tới 450 triệu đồng. Nguồn tiền này đến từ các DN chi quảng cáo. Các video này nội dung chủ yếu là bạo lực, chửi bới, tục tĩu, cổ súy lối sống đánh đấm.

Đáng buồn là chỉ sau khi chủ nhân của kênh này bị bắt, nhiều DN mới té ngửa khi phát hiện dịch vụ, sản phẩm quảng cáo của mình xuất hiện trên kênh Khá “bảnh” khiến ảnh hưởng đến thương hiệu nên cắt quảng cáo.

Câu chuyện của những đơn vị trên gợi nhớ lại làn sóng tẩy chay YouTube của các công ty Việt vào cuối năm 2017. Thời điểm đó hàng loạt ông lớn như Vinamilk, VietJet Air, FrieslandCampina Việt Nam, Vinasoy… đã chủ động rút quảng cáo trên YouTube. Lý do là thương hiệu của họ bị gắn vào các nội dung độc hại, vi phạm pháp luật.

Vinamilk khẳng định thời điểm đó khi ký hợp đồng với công ty truyền thông có điều khoản quy trách nhiệm rõ là phải đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật quảng cáo, chuẩn mực nghề nghiệp, bao gồm việc không sử dụng quảng cáo trên các clip nhạy cảm và trái pháp luật. Nhưng do Vinamilk không ký hợp đồng quảng cáo trực tiếp với YouTube mà thông qua công ty truyền thông nên không thể kiểm soát được các phim quảng cáo được gắn vào các nội dung độc hại.

Theo chuyên gia thương hiệu Lý Trường Chiến, việc nhiều đơn vị dừng quảng cáo trên YouTube là cách làm đúng vì không DN đàng hoàng nào muốn thương hiệu của mình gắn kèm với các nội dung giật gân, độc hại. Đặc biệt khi quảng cáo gắn vào những nội dung xấu sẽ dễ nhận được các đánh giá tiêu cực từ các khách hàng tiềm năng và một khi đủ lớn sẽ dễ dàng tác động đến cấu trúc kinh doanh.

Đồng tình, một chuyên gia khác cho rằng ngưng hợp tác với YouTube là đúng vì chính quảng cáo đã nuôi dưỡng nhiều clip với nội dung suy đồi, ảnh hưởng đến thế hệ trẻ. “Nếu một DN phục vụ cho đối tượng khách hàng trẻ em nhưng quảng cáo lại chạy trên các video mang tính bạo lực trẻ em sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín. Hệ quả là hình ảnh thương hiệu mà DN đã dày công xây dựng có nguy cơ sụp đổ” - vị chuyên gia này phân tích.

{keywords}
Quảng cáo của MSB xuất hiện trên video của Khá “bảnh”. (Ảnh chụp từ màn hình)

Có thể gây áp lực, khởi kiện

Chuyên gia thương hiệu Lý Trường Chiến phân tích nếu quảng cáo theo cách truyền thống, các DN dễ kiểm soát được vị trí tốt hay xấu để đặt quảng cáo, từ đó có thể đảm bảo hiệu quả trên mọi phương diện. Thế nhưng với quảng cáo trực tuyến, dù có lợi ích là tiếp cận được nguồn khách hàng khổng lồ và không có giới hạn địa lý nhưng khác biệt của nó chính là thuật toán kiểm soát vị trí đặt quảng cáo.

“Điều này có nghĩa con người bị loại ra khỏi quá trình giám sát và đó là vấn đề cho chính các thương hiệu lẫn YouTube” - ông Chiến nhấn mạnh.

Tán đồng với quan điểm này, một chuyên gia kinh tế nhìn nhận thực tế cho thấy YouTube cũng bị quyến rũ bởi các video chia sẻ có lượt người xem lớn đặt quảng cáo nhằm bổ trợ cho thương hiệu có tầm phủ sóng rộng và qua đó để kiếm tiền. Các nhà sáng tạo video cũng không làm không công để chia sẻ miễn phí nội dung. Họ được YouTube trả tiền cho quảng cáo chạy trên nội dung đó.

“Nhưng làm nội dung đàng hoàng có khi ít người xem, trong khi các nội dung gây sốc, giật gân, bạo lực, khiêu dâm… vốn kích thích sự tò mò và thu hút nhiều người xem. Thế là nội dung xấu hoành hành. Hệ quả tất yếu, cả YouTube (vì ham tiền) lẫn các nhà quảng cáo (muốn mở độ phủ) cũng bị ảnh hưởng tiêu cực” - vị chuyên gia này nói.

Theo luật sư Trần Đình Phương, để bảo vệ thương hiệu không bị ảnh hưởng trước nội dung độc hại trên YouTube, các DN phải đặt nhiều điều khoản ràng buộc trách nhiệm với bên cung cấp dịch vụ quảng cáo. Một trong những cách nhanh nhất là ngừng quảng cáo trên YouTube nhằm tạo áp lực mạnh mẽ buộc họ phải tạo ra nội dung sạch, lành mạnh trên kênh quảng cáo của mình.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là DN nên chủ động bảo vệ thương hiệu và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, không tiếp tay cho các nội dung độc hại. Như vậy mới chặn đứng được chúng từ gốc. Ngoài ra, ở góc độ cơ quan nhà nước phải có các điều chỉnh đồng bộ bằng các công cụ pháp luật nhằm ngăn chặn thông tin độc hại lên mạng.

Đồng thời các DN có thể xem xét kiện YouTube như ở Mỹ với lý do vi phạm thuần phong mỹ tục, kích động bạo lực, ma túy, cờ bạc… Bởi YouTube thu lợi nhuận từ các nội dung được đăng tải thì phải chịu trách nhiệm về việc kiểm soát nội dung.

Đặt các nhãn hàng vào tình thế nguy hiểm

Mới đây hãng tin Bloomberg cho biết các lãnh đạo của YouTube hoàn toàn hiểu và biết được các nội dung độc hại nhưng họ đã làm lơ. Các nhân viên YouTube đã đề xuất lên cấp quản lý các giải pháp để ngăn chặn video độc hại nhưng đều bị phớt lờ vì cấp lãnh đạo sợ mất đi tương tác với người dùng và tăng trưởng của nền tảng này.

Theo Wall Street Journal, chỉ một quảng cáo hiển thị nơi không phù hợp có thể tiêu tan danh tiếng nhãn hàng gầy dựng. Nhưng YouTube liên tiếp đặt nhãn hàng vào tình thế nguy hiểm.

YouTube từng tuyên bố sẽ cải thiện thuật toán, tăng cường kiểm duyệt để tránh trường hợp quảng cáo của các nhãn hàng hiện “nhầm nơi” như vậy. Thế nhưng những biện pháp ngăn chặn nội dung tiêu cực mà YouTube từng cam kết không hiệu quả. Bằng chứng là từ cuối năm 2017 đến nay, YouTube liên tiếp bị chỉ trích khi để nhiều quảng cáo của các nhãn hàng lớn xuất hiện trước và trong các video clip có nội dung không phù hợp.

Cũng chính vì vậy, YouTube từng chứng kiến các tập đoàn đa quốc gia như AT&T, Verizon, GSK, Pepsi, Walmart, Johnson & Johnson,… rút quảng cáo khỏi nền tảng này. Thậm chí có hãng tức giận tuyên bố không bao giờ quảng cáo trên YouTube nữa.

Trước áp lực của cộng đồng, mới đây YouTube đã tắt kênh Khá “bảnh”, với lý do được phía YouTube đưa ra là “vi phạm điều khoản dịch vụ của YouTube”. Toàn bộ 410 video của Khá “bảnh” cũng không thể truy cập được. Trước thời điểm bị xóa, kênh YouTube của Khá “bảnh” có khoảng 2 triệu người đăng ký theo dõi. 

(Theo Pháp luật TP.HCM)