Trường Tiểu học FPT được Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Education) chính thức công bố thành lập vào ngày 11/5/2017. Là cơ sở giáo dục trực thuộc FPT Education, trường Tiểu học FPT hoạt động theo mô hình bán trú - mô hình đang được áp dụng rộng rãi trong đào tạo phổ thông ở nước ta hiện nay, tạo thuận lợi cho việc học tập và tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường của học sinh.
Theo thông báo tuyển sinh của trường, trong năm học 2017 - 2018, Tiểu học FPT tuyển sinh 150 chỉ tiêu, gồm 120 chỉ tiêu khối lớp 1 và 30 chỉ tiêu khối lớp 2. Trường Tiểu học FPT có trụ sở đặt tại Tòa nhà Detech, số 8 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội. Học phí của Trường Tiểu học FPT là 3,5 triệu đồng/tháng; tiền bán trú: 580.000 đồng/tháng; tiền ăn 60.000 đồng/ngày (3 bữa). Ngoài ra phụ huynh sẽ không phải đóng thêm bất kỳ khoản đóng góp nào khác
Lãnh đạo nhà trường khẳng định, với triết lý giáo dục xuyên suốt “Learning for life”, các học sinh Tiểu học FPT sẽ được phát huy tối đa tố chất, khuyến khích tư duy phản biện, tôn trọng phát triển cá nhân. Thông qua việc phân tích, đánh giá các kỹ năng của trẻ, giáo viên sẽ đưa ra cách thức giảng dạy phù hợp với năng lực tiếp thu của từng học sinh, từ đó khơi gợi cảm hứng học tập tự nhiên của trẻ, khiến trẻ cảm thấy học tập là hạnh phúc, chủ động học tập để đạt được kết quả tốt nhất.
Đáng chú ý, cùng với việc chú trọng đào tạo ngoại ngữ, tiếng Anh cho học sinh, trường Tiểu học FPT cũng quyết định kết hợp với Trung tâm American STEM để đưa STEM (theo tiêu chuẩn quốc gia Mỹ NGSS) vào chương trình học chính khóa bắt buộc.
Trao đổi với ICTnews về quyết định nêu trên, bà Phạm Thị Khánh Ly - Giám đốc Điều hành trường Tiểu học FPT cho biết, STEM là phương pháp giáo dục tích hợp các bộ môn Science (Khoa học), Techonology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học) vào mỗi bài học, nhằm cung cấp cho học sinh tri thức dựa trên trải nghiệm thực tế, đồng thời rèn luyện những kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21 như tuy duy phản biện, làm việc nhóm, hợp tác, thuyết trình…
“STEM rất phù hợp với định hướng giáo dục của FPT, tập trung vào thực hành, ứng dụng giúp học sinh có cơ hội khám phá thế giới, khám phá bản thân và cảm nhận niềm hạnh phúc mỗi ngày đến trường. Theo quan điểm của chúng tôi, cái gì cũng cần rèn luyện kiên trì, chính vì vậy chúng tôi quyết định đưa STEM vào chương trình chính khoá bắt buộc để học sinh có nhiều thời gian tiếp xúc đủ cảm nhận được việc tích hợp tất cả các môn học đó sẽ bổ ích thế nào trong cuộc sống”, bà Khánh Ly chia sẻ.
Cũng theo bà Khánh Ly, nội dung chương trình giáo dục STEM tại Tiểu học FPT (cho cả học sinh lớp 1 và lớp 2) gồm có các chủ đề như: Sóng âm thanh; Khoa học máy tính; Tìm hiểu động thực vật; Phân tích dữ liệu, phân biệt tính chất các vật liệu…
Đồng thời, học sinh tạo ra các chương trình với các vòng lặp, sự kiện, các điều kiện và viết thuật toán cho công việc hàng ngày; tìm hiểu các khái niệm tư duy tính toán như vòng lặp và sự kiện; sau đó sau đó áp dụng chúng vào Ozobot để giải quyết vấn đề thực tế; so sánh và đánh giá các giải pháp được thiết kế để làm chậm hoặc ngăn chặn gió hoặc nước từ việc thay đổi hình dạng của đất. “Tất cả các chủ đề đều được trải nghiệm thành các dự án và có sản phẩm cụ thể”, bà Khánh Ly nhấn mạnh.
Tại Chỉ thị 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn gọi là CMCN 4.0), để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc CMCN 4.0 đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu phải thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông; đẩy mạnh tự chủ đại học, dạy nghề; thí điểm quy định về đào tạo nghề, đào tạo đại học đối với một số ngành đặc thù. Biến thách thức dân số cùng giá trị dân số vàng thành lợi thế trong hội nhập và phân công lao động quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao trách nhiệm cho Bộ GD&ĐT thúc đẩy triển khai giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức thí điểm tại một số trường phổ thông ngay từ năm học 2017 - 2018. Đồng thời, nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường giáo dục những kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với những yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.