Trailer bộ phim ‘Tiểu đội cò bay’: “Storks” đến từ xưởng hoạt hình của Warner Bros., là chuyến hành trình của một chú cò khi cậu bất ngờ tạo ra em bé.
Trong văn hóa dân gian Âu Mỹ, có câu chuyện dành cho trẻ em kể rằng: các em bé vốn do những chú cò mang đến cho gia đình. Ở Storks, chuyện đó được đội ngũ làm phim biến thành một sự thật hiển nhiên.
Cornerstone là một hãng chuyên giao nhận em bé, được vận hành chủ yếu bởi những chú cò. Đến một ngày, Hunter (Kelsey Grammer) – giám đốc điều hành công ty – quyết định ngừng dịch vụ, chuyển đổi toàn bộ hoạt động thành giao nhận hàng hóa để giảm thiểu rủi ro, đồng thời tối đa lợi nhuận.
18 năm sau khi ngừng giao nhận em bé, Cornerstone cứ thế phát triển lớn mạnh. Hunter lúc này sắp được đề bạt lên vị trí chủ tịch. Ông quyết định bổ nhiệm Junior (Andy Samberg) – nhân viên cò xuất sắc trong công ty – kế nhiệm vị trí giám đốc. Tuy nhiên, có một điều kiện là cậu phải sa thải Tulip (Katie Crown), nhân viên con người duy nhất của hãng.
Tulip vốn là em bé cuối cùng được Cornerstone nhận giao đi trước khi hãng ngừng hoạt động liên quan tới trẻ sơ sinh. Song, địa chỉ của cha mẹ Tulip bị thất lạc, khiến công ty đành phải giữ cô bé lại và nuôi dạy trưởng thành. Lớn lên, Tulip trở thành nhân viên của Cornerstone, nhưng thường xuyên gây ra rắc rối bởi nhiều ý tưởng không giống ai.
Junior không nỡ sa thải Tulip, quyết định thuyên chuyển cô gái đến bộ phận phân loại thư tay. Tuy nhiên, cậu không ngờ rằng mình lại bị lôi vào hàng loạt rắc rối mới, khi Tulip nhận được lá thư yêu cầu giao em bé và vô tình tái kích hoạt xưởng chế tạo em bé.
Nội dung đơn giản, phù hợp với mọi lứa tuổi
Storks là một bộ phim hoạt hình thiếu nhi điển hình, với nội dung khá đơn giản, dễ theo dõi và phù hợp với mọi đối tượng khán giả.
Tiền đề của tác phẩm được nhắc đến nhanh gọn ngay từ ban đầu, với lời giới thiệu về Cornerstone cùng những chú cò mẫn cán mang trên mình sứ mệnh đầy vinh quang nhưng cũng không kém phần vất vả.
Đối tượng khán giả trưởng thành hẳn sẽ thấy rất thú vị khi theo dõi câu chuyện về những chú cò giao em bé quen thuộc được kể lại đầy sinh động trên màn ảnh. Còn với khán giả nhí, ý tưởng ấy ban đầu có thể khá lạ lẫm, nhưng sẽ nhanh chóng được chấp nhận và coi như sự thật hiển nhiên trong thế giới của Storks.
Sau đó, bộ phim tiếp tục giới thiệu qua về các nhân vật tại Cornerstone cùng tuyến nhân vật phụ về gia đình cậu bé Nate Gardner – người đã yêu cầu công ty gửi đến cho mình một người em – dẫn đến những rắc rối sau này dành cho Junior và Tulip.
Màn giới thiệu dành cho mỗi nhân vật diễn ra khá nhanh, nhưng đủ để khán giả hình dung ra hoàn cảnh, tính cách của họ.
Nội dung chính của Storks thực chất là chuyến hành trình của Junior và Tulip, với mục tiêu đưa em bé về với gia đình nhà Nate Gardner mà không để ai phát hiện ra. Cuộc phiêu lưu của bộ đôi kỳ cục này tuy không có nhiều nét sáng tạo đặc biệt, nhưng lại có nhiều tình huống hài hước diễn ra trên nền tiết tấu nhanh, khẩn trương.
Ăn điểm nhờ chất hài xuyên suốt
Điểm nổi bật và thu hút khán giả nhất ở Storks là chất hài hước xuất hiện liên tục trong phim. Tại bất cứ thời điểm nào, nhà sản xuất cũng có thể khiến người xem phải bật cười bởi nhiều yếu tố gây hài thú vị.
Từ những tình huống tróe ngoe hay đơn giản chỉ là nhờ tạo hình đặc trưng bên ngoài của nhân vật, mỗi cử chỉ, hành động hay biểu lộ cảm xúc của từng nhân vật trong phim cũng đủ để khán giả cảm thấy thích thú.
Cây hài “đỉnh” nhất trong Storks có lẽ là bầy sói do hai con sói Alpha (Keegan-Michael Key) và Beta (Jordan Peele) cầm đầu. Chúng tưởng như dữ dằn, nhưng hóa ra lại rất dễ thương, sở hữu khả năng phối hợp thần sầu và luôn gây bất ngờ cho người xem mỗi khi xuất hiện.
Chất hài của Storks còn đến từ những yếu tố cường điệu khá duyên, không lạm dụng hài hình thể hay sự thô tục. Hầu hết các chi tiết gây cười của bộ phim đều dễ xem và dễ hiểu đối với khán giả mọi lứa tuổi.
Phản ánh thế giới con người qua góc nhìn châm biếm
Trong khi các khán giả nhí sẽ bị hấp dẫn bởi những tình tiết hài hước xuyên suốt bộ phim, thì đối với khán giả trưởng thành, Storks còn mang nhiều điểm thú vị khác.
Tác phẩm tái hiện và phản ánh thế giới công việc thực tế ngoài đời khá thú vị với nhiều nét châm biếm. Cornerstone là một hãng giao nhận có sứ mệnh ban đầu cao cả và thiêng liêng.
Tuy nhiên, để giảm bớt khó khăn và tăng lợi nhuận, công ty dần từ bỏ và quên đi điều đó, chuyển sang công việc dễ dàng hơn là giao nhận hàng hóa. Tình trạng ấy hẳn xảy ra không ít ở các tổ chức, doanh nghiệp ngoài đời thực.
Người ta có thể bắt gặp đội ngũ nhân viên của Cornerstone ở bất cứ đâu trong thực tế. Hunter là vị giám đốc điều hành uy nghiêm, đam mê địa vị. Ông biết lợi dụng quyền lực để biến nhân viên dưới quyền thành quân cờ của mình. Hunter chỉ quan tâm đến lợi nhuận và các con số, mà không màng đến sứ mệnh cao cả ban đầu của tổ chức.
Còn Junior là một nhân viên cò mẫn cán, cả cuộc đời chỉ biết đến công việc được giao. Cậu thậm chí còn không trả lời được câu hỏi: làm sếp là gì? Tại sao bản thân lại muốn làm sếp? Chỉ đến khi trải qua biến cố mới, Junior mới tìm thấy lý tưởng và mục tiêu dành cho cá nhân, điều mà một người nhân viên hay lãnh đạo đều cần phải có.
Bên cạnh đó có Tulip, nhân viên con người duy nhất, năng động, sáng tạo, nhưng thường xuyên gây rắc rối. Hay bồ câu Toady (Stephen Kramer Glickman) thấp bé, chậm chạp, luôn ngưỡng mộ Junior, nhưng bên trong hóa ra lại là kẻ cơ hội, không từ thủ đoạn để hạ bệ người khác.
Storks khiến khán giả cảm thấy bất ngờ khi miêu tả và châm biến thế giới văn phòng khá tinh tế và thú vị như thế.
Bộ phim đồng thời mang đến bài học nhẹ nhàng về tình cảm gia đình, tình mẫu tử và trách nhiệm của phụ huynh với con cái thông qua câu chuyện của tuyến nhân vật phụ là gia đình cậu bé Nate Gardner.
Cha mẹ của Nate luôn bận rộn công việc, không có thời gian quan đến cậu. Chính bởi thiếu thốn tình cảm, cậu mới viết thư cho Cornerstone để xin cho mình một người em về bầu bạn.
Phần hình ảnh và âm nhạc lôi cuốn
Storks sở hữu phần hình ảnh rất ấn tượng với màu sắc tươi sáng. Tạo hình các nhân vật sáng tạo, đáng yêu và đều có nét đặc trưng riêng. Cử động nhân vật mượt mà, uyển chuyển, thể hiện cảm xúc đa dạng và chân thực. Tất cả giúp lôi cuốn khán giả mọi lứa tuổi từ đầu tới cuối phim.
Phần âm nhạc của Storks cũng được đầu tư khá tốt, bao gồm từ các bản hit sôi động như How You Like Me Now của The Heavy, Kiss the Sky của Jason Derulo, cho đến các bản rock nhẹ nhàng như Keep On Loving Youcủa REO Speedwagon hay And She Was của Talking Heads.
Các giai điệu được phối lại và sắp xếp hợp lý, tạo ra bầu không khí sôi động cho tác phẩm.
Chỉ có một chút tiếc nuối dành cho đoạn kết của Storks khi kể về sự đoàn tụ gia đình. Tình tiết chưa thực sự thuyết phục bởi xuyên suốt tác phẩm, không có mối liên kết nào thực sự tốt được xây dựng để có thể dẫn tới trường đoạn hạ màn như vậy.
Nhìn chung, Storks là một tác phẩm hoạt hình hấp dẫn, tràn ngập tiếng cười và phù hợp với mọi lứa tuổi. Đây là thành công tiếp theo của dòng phim trong năm nay, sau những Zootopia hay Finding Dory kể từ đầu năm.
Storks (Tiểu đội cò bay) khởi chiếu trên toàn quốc từ 23/9.
Kaito