Trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, cựu chiến lược gia Nhà Trắng khẳng định, việc chặn Huawei tại Mỹ và châu Âu “quan trọng gấp 10 lần” một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Ông Bannon còn tuyên bố sẽ dành cả đời mình để tìm cách ngăn chặn các công ty Trung Quốc khỏi các thị trường vốn của Mỹ.
Huawei đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: Reuters |
Những tuyên bố của ông Bannon, người ủng hộ mạnh mẽ một “cuộc chiến bao vây toàn diện” chống Trung Quốc, được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm công ty Huawei khỏi thị trường Mỹ và cắt các nguồn cung cấp linh kiện quan trọng cho công ty công nghệ viễn thông số 1 Trung Quốc.
“Đây là một vấn đề an ninh quốc gia rất lớn đối với phương Tây”, ông Bannon nói trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng. “Sắc lệnh [cấm Huawei] quan trọng gấp 10 lần việc rời khỏi đàm phán thương mại. Huawei là một mối đe dọa an ninh quốc gia quan trọng, không chỉ với Mỹ mà với cả phần còn lại của thế giới. Chúng ta phải đóng cửa họ”.
Trong khi đó, Huawei, một người khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ 5G, đã công khai thách thức lệnh cấm của Mỹ và một số nước phương Tây, trong đó có Đức, cho rằng không có bất cứ bằng chứng nào ủng hộ các cáo buộc của Washington.
Lệnh "cấm cửa" của chính quyền Mỹ đối với Huawei đã gây một cú sốc trên các thị trường tài chính và ngành công nghệ. Ông Jude Blanchette thuộc Crumpton Group, một công ty tư vấn kinh doanh và rủi ro địa chính trị tại Mỹ, nói rằng mặc dù có sự nhất trí lớn ở Washington về các mối quan ngại an ninh xung quanh thiết bị của Huawei, sắc lệnh cấm của Tổng thống Trump vẫn khiến thị trường bất ngờ bởi “những hệ lụy kinh tế”. “Chúng ta đang bước vào vùng lãnh thổ nơi những hành động chống lại rủi ro an ninh sẽ gây cắt giảm mạnh và thường là chính xác nhằm vào những chuỗi cung cấp toàn cầu phức tạp”, ông Blanchette nói.
Tuy nhiên ông Bannon đã tỏ ra rất cứng rắn khi cho rằng cần phải loại bỏ Huawei hoàn toàn khỏi các thị trường Mỹ, đồng thời ám chỉ rằng Tổng thống Trump đã phạm sai lầm khi dỡ bỏ một lệnh trừng phạt tương tự nhằm vào ZTE – một công ty thiết bị viễn thông khác của Trung Quốc.
Cựu chiến lược gia của Tổng thống Trump, Steve Bannon (phải) tuyên bố ông sẽ dành cả đời mình để ngăn chặn các công ty Trung Quốc tại Mỹ. Ảnh: Reuters |
Mỹ đã áp đặt lệnh cấm ZTE vì công ty này vi phạm các lệnh trừng phạt chống Iran. Nhưng lệnh này đã được dỡ bỏ vào tháng 7/2018 sau khi ZTE đồng ý chấp hành những điều khoản và điều kiện mà Washington đặt ra để được trở lại hoạt động tại Mỹ. "Trong giai đoạn đầu của đàm phán thương mại, ông ấy [Tổng thống Trump] đã trao cơ hội cho ZTE, điều mà tôi cho là sai lầm”, ông Bannon bình luận.
Chiến lược gia bị Tổng thống Trump sa thải từ tháng 8/2017 cũng kêu gọi ngăn chặn tất cả các công ty Trung Quốc khỏi các thị trường vốn của Mỹ. “Bước tiếp theo là chúng ta phải cắt mọi cuộc IPO [phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng], chặn mọi quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm ở Mỹ cung cấp vốn cho Trung Quốc”, ông nói. “Chúng ta sẽ thấy một bước chuyển lớn ở Phố Wall nhằm hạn chế công ty Trung Quốc tiếp cận các thị trường vốn cho đến khi họ đồng ý những cải cách căn bản này”.
Hồi tháng 3 năm nay, ông Bannon đã tham gia hồi sinh và tái vận hành một uỷ ban từ thời Chiến tranh Lạnh để chống Trung Quốc. Ủy ban Mối nguy cơ hiện tại (CPD) vốn được thành lập từ đầu những năm 1950. Tổ chức này đã giải thể sau khi các thành viên cốt cán được chuyển sang nắm các vị trí trong chính quyền Tổng thống Dwight Eisenhower. Sau đó, CPD được tái thành lập vào năm 1976 thời Chiến tranh Lạnh.
Sau khi được tái thành lập một lần nữa, các thành viên của CPD đã đưa ra cảnh báo rằng Trung Quốc đang gây ra một mối đe dọa trên diện rộng với Mỹ bao gồm mở rộng sức mạnh quân sự, tăng cường năng lực hạt nhân chiến lược, chiếm đoạt công nghệ Mỹ, khởi phát “cuộc chiến hóa học” khi là nguồn cung chính chất gây nghiện fentanyl vào Mỹ, cũng như thực hiện các hoạt động nâng cao tầm ảnh hưởng lên các tổ chức và cơ sở Mỹ.
Không nói rõ thông tin cụ thể, nhưng cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Steve Bannon cho biết ông vẫn hàng ngày thảo luận với các quan chức cấp cao ở Nhà Trắng về Trung Quốc”. Khi được hỏi liệu ông có thường xuyên gặp Tổng thống Trump, cựu chiến lược gia trả lời: “Không, nếu cần nói chuyện với ông ấy, tôi sẽ gặp thẳng luật sư của ông”. Tuy vậy, trong vài tháng qua, tờ New York Times và Politio nhiều lần dẫn nguồn tin cho biết Tổng thống Trump “rất quý ông Steve”.
“Rõ ràng tôi từng là người làm việc thân cận nhất với Tổng thống Trump. Tôi thiên về cánh hữu hơn Tổng thống trong vấn đề Trung Quốc. Và tôi tự hào với bản thân về điều đó. Tôi là siêu diều hâu”, Steve Bannon thẳng thắn nói.
Theo Báo Tin tức