Ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư ở nông thôn
Toàn tỉnh Lào Cai hiện có hơn 545 nghìn con gia súc (trâu, bò, lợn) và khoảng 4,4 triệu con gia cầm (gà, vịt, ngan). Tổng sản lượng thịt hơi các loại năm 2019 đạt 62 nghìn tấn. Hiện có 90.630 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó khoảng 7 nghìn hộ xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng hầm bể biogas (chiếm 7,7%) và một số hộ xử lý ủ phân bằng chế phẩm sinh học; 504 trang trại chăn nuôi và 6 cơ sở chăn nuôi công nghiệp áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm bể biogas; 1 cơ sở sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi.
Tình trạng chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán trong khu dân cư còn chiếm tỷ lệ cao (hơn 80% số hộ chăn nuôi). Trình độ, kiến thức về chăn nuôi và phòng, chống dịch của người dân còn hạn chế. Người dân chưa chủ động tiêm phòng, vệ sinh thú y. Đặc biệt, một số hộ còn tận dụng thức ăn thừa của nhà hàng để chăn nuôi khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh từ vật nuôi sang vật nuôi và từ vật nuôi sang người rất cao.
Lào Cai nỗ lực di dời chăn nuôi ra khỏi khu dân cư |
Ngoài ra, việc phát triển chăn nuôi trong khu tập trung đông dân cư với chuồng trại chăn nuôi không đảm bảo khoảng cách còn khiến dịch bệnh lây lan nhanh, khó kiểm soát và khống chế. Có thể kể đến như bệnh dịch tả lợn châu Phi từ tháng 5/2019 đến nay xảy ra tại 6.698 hộ (chiếm 9,41% số hộ chăn nuôi toàn tỉnh) của 9 huyện, thành phố, làm 36.881 con lợn ốm chết và cùng đàn phải tiêu hủy, ước tính thiệt hại 7,68% tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh.
Việc chăn nuôi phát triển nhanh trong khi hệ thống xử lý chất thải chưa đáp ứng với quy mô chăn nuôi đã gây quá tải, dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các khu dân cư ở nông thôn.
Hỗ trợ dân chuyển đổi mô hình sản xuất
Cốc Lếu là phường trung tâm thành phố Lào Cai, tập trung đông dân cư sinh sống và làm việc. Tuy vậy, từ nhiều năm nay, trên địa bàn phường có 3 hộ chăn nuôi với số lượng tương đối lớn đã làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và cuộc sống của nhiều hộ xung quanh. Tại nhiều buổi đối thoại, vấn đề này luôn được người dân ở đây nêu lên với nhiều ý kiến bức xúc, đề nghị phường giải quyết dứt điểm.
Gia đình ông Phạm Tuấn Trường ở tổ 15, phường Duyên Hải (thành phố Lào Cai) có thu nhập chính từ nuôi lợn và nấu rượu. Ngôi nhà của ông nằm ngay mặt đường lớn nhưng phần đất phía sau nhà còn khá rộng nên được tận dụng để xây chuồng nuôi lợn. Mỗi năm, gia đình ông nuôi 2 lứa lợn thịt, mỗi lứa hơn 20 con. Mặc dù gia đình đã đầu tư công trình biogas để chứa chất thải và thường xuyên vệ sinh chuồng nhưng vẫn không tránh khỏi những ý kiến của các hộ xung quanh về mùi hôi do chăn nuôi lợn gây ra.
Ông Trường cho biết: Sau đợt tiêu hủy, tôi định nuôi lợn trở lại nhưng có quy định không được nuôi lợn ở đây nữa. Có lẽ gia đình tôi sẽ chuyển sang trồng rau và trồng nấm. Tôi cần có thời gian để tham gia tập huấn, học nghề trước khi đầu tư chuyển đổi nên vẫn muốn tái đàn.
Ông Đặng Thanh Hương, Chủ tịch UBND phường Cốc Lếu cho biết: trước đây, việc buộc những hộ có kinh tế phụ thuộc vào chăn nuôi lợn phải dừng chăn nuôi hoặc chuyển đi nơi khác rất khó. Luật Chăn nuôi chính thức có hiệu lực, trong đó nghiêm cấm chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư đã tạo cơ sở pháp lý để địa phương thực hiện, tuyên truyền cho người dân. Luật ban hành nên các hộ chăn nuôi đã nghiêm túc thực hiện, giải quyết được những bức xúc kéo dài trong khu dân cư suốt thời gian qua. Đến nay, phường Cốc Lếu cơ bản không còn hộ chăn nuôi trong khu vực dân cư.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế thành phố Lào Cai, thành phố có 143 hộ chăn nuôi tại 12 phường, xã có khu vực không được phép chăn nuôi trong khu dân cư. Theo ông Đoàn Đức Luyện, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố, ngoài việc tăng cường tuyên truyền đến các hộ, Phòng Kinh tế đang tham mưu với UBND thành phố, các cấp, các ngành hỗ trợ người chăn nuôi bị ảnh hưởng, đặc biệt là hỗ trợ việc chuyển đổi sang các ngành nghề khác.
Tại các huyện, thị xã vùng cao, người dân nông thôn cơ bản được phép đầu tư chăn nuôi nên ít chịu ảnh hưởng từ Luật Chăn nuôi. Tuy nhiên, tại một số khu dân cư đông đúc, trung tâm các thị trấn, nhiều hộ chăn nuôi cũng nằm trong diện phải di dời sang khu vực khác. Việc thực hiện luật này cũng không mấy dễ dàng vì nhiều hộ vùng cao dù sống ở các thị trấn nhưng vẫn thuần nông.
Theo ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà, người dân nông thôn, đặc biệt là các huyện vùng cao có kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào trồng trọt kết hợp với chăn nuôi. Việc di dời khiến họ phải bố trí được quỹ đất hợp lý nên gần như khó thực hiện. Hầu hết các hộ dân trong diện phải di dời sẽ lựa chọn phương án dừng chăn nuôi để chuyển đổi ngành nghề, nhưng chuyển đổi ngành nghề cần rất nhiều thời gian do thói quen, tập quán sản xuất. Vì vậy, để thực hiện tốt Luật Chăn nuôi cần có lộ trình dài và có phương án, cơ chế phù hợp với đặc thù địa phương.
Khoảng 80% dân số của tỉnh có kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp, trong đó chăn nuôi giữ vai trò quan trọng. Dù nhiều hộ sống trong các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư đông đúc nhưng vẫn tham gia sản xuất nông nghiệp, họ là những nông dân đích thực chưa thể chuyển thành “thị dân”. Tuy ngày 1/1/2020, Luật Chăn nuôi năm 2018 có hiệu lực, song vẫn chưa thể thực thi ngay vì cần các cơ quan chức năng ban hành các văn bản hướng dẫn. Với lộ trình di dời là 5 năm, các hộ chăn nuôi sẽ có thời gian để nuôi, bán hết vòng đời của vật nuôi, sau đó sẽ chuyển đổi ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển đô thị văn minh, hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường.
Để đảm bảo triển khai tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, kế hoạch của Lào Cai là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ quy định của Luật Chăn nuôi. Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố, thị xã cần thực hiện tốt bước rà soát, xác định các khu vực không được phép chăn nuôi (có sự đồng thuận cao của người dân, kể cả các hộ chăn nuôi thuộc diện phải di dời, thông qua việc tổ chức họp thôn, tổ).
Việc lấy ý kiến của người dân đối với dự thảo nghị quyết “Quy định khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi” của HĐND và quyết định “Quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lào Cai” của UBND tỉnh phải được giao cho mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức lấy ý kiến trực tiếp của người dân tại các khu vực dự kiến không được phép chăn nuôi.
Các huyện, thành phố, thị xã có phương án bảo đảm sản xuất cho các hộ chăn nuôi; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, dành quỹ đất cho phát triển chăn nuôi trang trại, phát triển trồng cây thức ăn đến cấp xã; tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất nếu phù hợp với quy hoạch của địa phương và đảm bảo các quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường.
Bảo Phùng
Ảnh: Lê Na