Điều kiện cho khoản vay 7.000 tỷ đồng từ ngân hàng Trung Quốc để thực hiện dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chưa thực sự thuận lợi, lãi suất cao nên đang phải đàm phán lại.
Trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) một trong những đơn vị trình đề xuất vay vốn Trung Quốc để thực hiện dự án, đã thông tin như vậy.
Theo Bộ trưởng Dũng, hiện nay điều kiện vay vốn với khoản vay này chưa thực sự thuận lợi, lãi suất cao, lại đặt ra yêu cầu chỉ định thầu nên Bộ KH&ĐT đã đề nghị Bộ Tài chính đàm phán lại, để thay đổi điều kiện vay cho thuận lợi hơn, lãi suất thấp hơn và bỏ điều kiện chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc.
Bộ trưởng cho biết thêm hiện nay với dự án Vân Đồn - Móng Cái thì ngoài khoản vay của Trung Quốc đồng ý cho vay, chưa có nhà đầu tư nào tham gia.
Việc tiến hành vay vốn từ Trung Quốc là do nước này có thoả thuận với Việt Nam. Thỏa thuận này mở rộng ở tất cả lĩnh vực, song Việt Nam có lựa chọn, dự án nào có lợi thì vay và không có lợi thì không vay.
"Chúng ta có thể đa dạng hoá tất cả các nguồn vay, chỗ nào thuận lợi thì chúng ta tranh thủ tận dụng. Tất nhiên trong quá trình vay, ai vay làm gì, điều kiện thế nào thì chúng ta phải xem xét, thận trọng, không phải có nguồn vay tốt mà ta không chú ý" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo đó, Việt Nam quan tâm đến tất cả các nguồn vay tốt mang lại lợi ích, song Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh quyết định cuối cùng như thế nào là phụ thuộc vào điều kiện của từng dự án, sau khi xem xét kỹ lưỡng thì mới lựa chọn xem vay hay không vay, và nếu vay thì thế nào.
Từ những dự án vay và sử dụng vốn từ Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng đây là bài học các bộ, ngành và Chính phủ phải xem xét khi tính toán chuyện vay vốn. Theo đó, với dự án này quan điểm của Bộ KH&ĐT là đang để mở, chưa khẳng định là có vay hay không mà phải đàm phán tiếp về điều kiện vay, có thuận lợi thì mới quyết định vay và đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Trong bối cảnh huy động nguồn vốn trong nước khó khăn, có thể yêu cầu về lãi vay thì tốt, nhưng tùy từng nhà đầu tư. Đơn cử như có những nhà đầu tư đa phương không quan tâm đến chuyện phải có nhà thầu của họ, hay mua hàng hoá của họ; song có những nhà đầu tư song phương thì họ lại quan tâm.
"Chúng ta phải hài hoà hoá giữa mục tiêu, lợi ích của mình và của người cho vay, cố gắng giảm thiểu để làm sao minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và giảm chi phí. Ví dụ chỉ định thầu, chúng ta đang cố gắng không chỉ định thầu và đấu thầu rộng rãi, công khai, đó là một hình thức tăng hiệu quả của dự án" - Bộ trưởng nói.
(Theo Trí thức trẻ)