Pin được xử lý và đóng gói trong nhà máy sản xuất pin Samsung SDI tại miền Bắc Việt Nam, nơi Samsung đầu tư hàng tỷ USD từ năm 2009. Theo MailOnline, gần 50.000 công nhân từ những ngôi làng và thị xã nghèo nhất Việt Nam phải làm tối đa 12 tiếng/ngày tại nhà máy Samsung.
Dù công ty Hàn Quốc khẳng định không cắt giảm lao động tại Việt Nam trong năm nay vì bê bối Galaxy Note 7, công nhân trong nhà máy pin lại cho biết công ty đã bắt đầu cho nghỉ việc tạm thời. Nguồn tin của MailOnline tiết lộ các nhà điều tra đang kiểm tra quy trình làm việc tại Samsung SDI Bắc Ninh để tìm ra nguyên nhân gây cháy.
Một nữ công nhân 23 tuổi đã làm cho dây chuyền sản xuất Samsung SDI được 2 năm bày tỏ sự lo ngại về tương lai của mình. “Quan chức có mặt ở đây trong vài tuần qua và các quản lý người Hàn Quốc dường như đang gặp nguy”.
Galaxy Note 7 được sản xuất tại 2 nhà máy Samsung Bắc Ninh và Thái Nguyên cũng như tại Hàn Quốc và Trung Quốc, còn pin được đóng gói tại Bắc Ninh. Cell cấu thành nên viên pin lại được làm tại một trong những nhà máy Samsung SDI tại Hàn Quốc, Trung Quốc và Malaysia nhưng công ty từ chối cho biết đích xác nhà máy nào. Từ đây, cell được gửi đến Samsung SDI Bắc Ninh để xử lý và đóng gói, lắp vào các thiết bị. Pin được lắp vào khuôn để chúng tương thích với smartphone trước khi được niêm phong và lắp vào máy. Sau đó, chúng lại được lắp vào điện thoại tại một dây chuyền khác trong nhà máy Bắc Ninh.
Samsung đã thu hồi 2,5 triệu Galaxy Note 7 sau khi có ít nhất 25 trường hợp báo cháy. Thiết bị này bị ngừng sản xuất vĩnh viễn do ngay cả những model đổi mới cũng bắt đầu cháy nổ.
Samsung SDI là một bộ phận chuyên về pin của Samsung nhưng hoạt động như một công ty niêm yết độc lập. Nhà máy tại Việt Nam vẫn hoạt động tuần này và còn sản xuất pin cho các model và thương hiệu khác. Tuy nhiên, cửa sổ trên tầng ba, nơi xử lý pin Note 7 lại đóng và tối om, khác biệt với các tầng khác. “Chúng tôi không biết điều gì đang diễn ra nhưng một vài đồng nghiệp của tôi đã về nhà với 70% lương và được thông báo chờ khi có thêm việc”, một người nói với MailOnline.
Họ cũng cho biết quản lý cảnh báo họ không được nói với ai về các vấn đề bên trong nhà máy và tất cả đều giấu tên khi được hỏi. Theo MailOnline, công nhân tại Samsung Bắc Ninh có lương tối thiểu 4 triệu đồng, cao hơn mức trung bình 3,5 triệu đồng của khu vực. Song, theo thời gian, họ có thể kiếm được khoảng 8 triệu đồng/tháng còn người có kỹ năng hơn được trả tối đa 12 triệu đồng.
Samsung đã đầu tư 12,3 tỷ bảng Anh tại Việt Nam kể từ khi bắt đầu hoạt động 7 năm trước và tuyển dụng trực tiếp khoảng 130.000 lao động, ước tính có 270.000 công việc phụ trợ. Chỉ riêng tại Bắc Ninh, có hơn 2.000 khách sạn và nhà hàng mới mở từ năm 2011 đến năm 2015 nhờ sự có mặt của Samsung và GDP của tỉnh cao gấp 3 lần trung bình cả nước. Khu tổ hợp Bắc Ninh sản xuất 100 triệu sản phẩm năm ngoái, tạo ra doanh thu 10,4 tỷ bảng Anh, chiếm hơn 11% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam. Tính riêng năm 2015, Samsung đã xuất khẩu 27 tỷ bảng Anh đồ điện tử.
Vụ bê bối nổ pin làm dấy lên một số câu hỏi về triển vọng của Samsung cũng như kinh tế Việt Nam. Dù vậy, khi đang ăn mỳ và uống bia tại thị trấn tồi tàn của lao động nhập cư mọc lên bên cạnh đồng ruộng bên ngoài khu tổ hợp Bắc Ninh, nhân viên nhà máy rất tự tin rằng Samsung sẽ phục hồi.
“Trước khi Samsung xuất hiện, ở đây chẳng có gì cả”, một công nhân 27 tuổi nói. “Họ là những người kinh doanh xuất sắc và sẽ sớm vượt qua trở ngại này. Tôi nghe được rằng các nhà khoa học của họ đã hoàn thiện Galaxy S8. Chúng tôi sẽ bắt đầu sản xuất nó trong vài tháng nữa và đến lúc đó, sẽ có nhiều việc hơn bao giờ hết và những ồn ào này sẽ sớm bị lãng quên”.
Người phát ngôn Samsung bác thông tin công nhân Samsung SDI bị thôi việc do sự cố Galaxy Note 7. “Chúng tôi vẫn duy trì số lượng lao động như trước sự cố Galaxy Note 7”, người này trả lời trong email. Khi được hỏi về cuộc điều tra tại Samsung SDI Bắc Ninh và kết quả cho đến nay, ông trả lời: “Miễn bình luận”.