Từng làm cho một cơ sở chuyên kinh doanh loại điện thoại này, anh L.V. (Hoàng Mai, Hà Nội) hiểu rất rõ về những chiếc điện thoại nhái này. Chia sẻ với báo, anh Lộc cho biết: “Cách đây hơn 1 năm, khi trào lưu này nở rộ nhất, chủ cơ sở kinh doanh của tôi bán online trên mạng cũng kiếm vài trăm triệu đồng một tháng.”
“Thời điểm đó, tôi phụ trách việc quảng cáo mạng xã hội (Facebook), nhận điện thoại và đóng hàng gửi cho khách. Ngày nào cũng có hàng chục cuộc gọi đến đặt mua hàng, với rất nhiều loại điện thoại khác nhau. Loại nào có sẵn thì đóng hàng gửi đi cho khách, còn không thì phải đặt qua đầu mối chuyển tới”, anh V. nói.
Quay quảng cáo điện thoại giả nhưng dùng máy thật để lấy lòng tin của người tiêu dùng |
Theo lời anh V., thị trường cứ có máy gì mới, thời thượng là có hàng giả ngay lập tức. Các mối buôn sẽ lấy hàng từ trên Lạng Sơn hoặc Móng Cái, vì hàng được chuyển về từ Trung Quốc. Với giá bán trên thị trường lúc “hot” nhất là khoảng 3 triệu đồng. Giá này áp dụng cho tất cả các loại máy, không phân biệt hãng hay đời máy.
“Giá bán này gần như là đã lãi gấp đôi. Bởi giá nhập chỉ từ 1,7 – 1,8 triệu đồng/cái. Có 2 kiểu nhập hàng, một là ôm một lúc 30 – 40 máy, hai là đặt hàng qua đầu mối, cứ có khách gọi bào hotline chốt đơn thì sẽ có người mang hàng tới”, anh V. cho biết thêm.
Những chiếc điện thoại này nhìn qua thì không ai có thể phát hiện ra là hàng nhái. Nhưng nếu là người đã sử dụng điện thoại thông minh nhiều, cầm vào máy là biết ngay hàng nhái.
Iphone nhái còn ra mẫu mã trước cả hàng thật với camera vuông |
Đối tượng khách hàng hay mua loại hàng này theo anh V. đa phần là dân chơi thích đú đởn, thích khoe của nên mới mua. Họ biết đây là máy nhái của Trung Quốc nhưng vẫn mua về để nghe gọi hoặc dùng cho oai.
“Thế nhưng, cũng không ít người mang những chiếc máy này ra để lừa gạt người mua ít hiểu biết. Họ bán với giá 5 – 6 triệu đồng, dưới hình thức máy cũ đã qua sử dụng để lừa gạt lòng tin của những người lớn tuổi, những người ít hiểu biết về công nghệ”, anh V. cho biết thêm.
Vì là hàng nhái, nên chất lượng của những chiếc máy này rất kém. Anh V. cho biết: “Dùng loại điện thoại này chỉ vài tháng là màn hình sẽ rất kém. Ánh sáng yếu, cảm ứng liệt là những biểu hiện rõ rệt nhất.”
“Khách mua chỉ được thử máy ngay lúc đó, nếu có lỗi sẽ 1 đổi 1 trong 1 thời gian. Tuy nhiên, nếu chẳng may hỏng mà khách gọi tới thì cũng chỉ biết khất lần rồi bỏ qua. Vì loại máy này không ai sửa”, anh V. khẳng định.
Các loại máy bị làm giả trước đây đa phần là Samsung đời mới. Nhưng hiện nay, nhu cầu khách hàng thích dùng Iphone sang chảnh, nên Iphone “dựng” giống đến 80% cũng đang được bán tràn lan trên mạng xã hội.
Công khai rao bán trên mạng |
Các đối tượng bán loại hàng này sẽ quảng cáo trên mạng xã hội bằng hình ảnh của những chiếc máy thật. Điều này khiến người tiêu dùng cảm thấy tin tưởng và thích thú vì giá rẻ mà lại mượt mà chẳng kém hàng thật.
Mới đây, báo chí cũng đã đưa tin về việc cơ quan chức năng thu giữ nhiều điện thoại nhái của chủ một cơ sở trên đường Trần Bình (Cầu Giầy, Hà Nội). Chủ cơ sở này đã dùng hàng chục tên website để kinh doanh các loại điện thoại này.
Đoàn kiểm tra làm việc với Đại diện Công ty TNHH RELEX Việt Nam (Ảnh: Bộ Công Thương) |
Đáng chú ý, Công ty cổ phần GMO-Z.com RUNSYSTEM là đại lý tên miền quốc tế của Công ty ONAMAE có trụ sở tại Nhật Bản, đã bán tên miền samsungvietnam.online cho ông Lê Đình Sỹ. Đây là một website có giao diện giống trang web của Công ty Samsung chào bán điện thoại Galaxy Note 10, Galaxy Note 10+, A10, A20 có dấu hiệu giả mạo hàng hóa của Samsung. Tuy nhiên, tại thời điểm này thì website trên đã đóng.
Qua các chứng cứ và sổ kế toán tự lập tại cửa hàng, Đoàn kiểm tra cũng phát hiện, Cửa hàng do ông Sỹ làm chủ đã mua 19 chiếc Samsung S10+ từ Lạng Sơn với giá 1.350.000 đồng đến 1.700.000 đồng và đã bán qua website samsungvietnam.online với mức giá từ 1.800.000 đồng đến 3.500.000 đồng/chiếc. Việc mua bán số điện thoại trên không có hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật.
(Theo Dân trí)