Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng đô la Mỹ. Ảnh: Reuters |
Đài Spuntik (Nga) dẫn một kết quả điều tra gần đây tiết lộ Trung Quốc là chủ nợ bí mật lớn nhất thế giới. Các chuyên gia đã thực hiện một cuộc điều tra toàn diện đầu tiên về tín dụng nước ngoài và các dòng tài chính khác của quốc gia châu Á tỷ dân này.
Có tên gọi “Các khoản cho vay nước ngoài của Trung Quốc”, tài liệu nghiên cứu do nhóm các chuyên gia gồm Sebastian Horn (Đại học Munich, Đức), Carmen Reinhart (Đại học Harvard, Mỹ) và Christoph Trebesch (Viện Kiel, Đức) thực hiện thông qua việc thống kê và phân tích dựa trên số liệu nợ của 152 nền kinh tế trong suốt 60 năm.
Nhà nghiên cứu Christoph Trebesch cho biết Trung Quốc luôn là một chủ nợ quốc tế chủ động. “Hai thập kỷ qua chứng kiến sự gia tăng gần như chưa từng có trong tổng số tín dụng. Hiện tượng này chỉ có thể so sánh với làn sóng cho vay chính thức của Mỹ sau Chiến tranh Thế giới thứ I và thứ II", báo cáo đề cập.
Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2017, khoản vay của của các con nợ nước ngoài đối với Trung Quốc tăng từ dưới 500 tỷ USD lên hơn 5 nghìn tỷ USD – tương đương tăng từ 1% sản lượng kinh tế toàn cầu lên hơn 6%. Đối với 50 “con nợ” lớn của Trung Quốc, hầu hết là những nước nhỏ hoặc nghèo, chỉ trong vòng 10 năm, khoản nợ của Trung Quốc tăng từ khoảng 1% GDP lên hơn 15% GDP tính vào thời điểm 2016.
Phần lớn các khoản nợ được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mua lại trên thị trường trái phiếu quốc tế. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc còn thúc đẩy số tiền cho vay trực tiếp, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển và nền kinh tế mới nổi.
Nghiên cứu chỉ ra rằng các ngân hàng nhà nước Trung Quốc cho phép trích 1/4 tổng tiền cho vay của cơ sở cho các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, đưa Trung Quốc lên vị trí đứng đầu trong danh sách các chủ nợ toàn cầu, bỏ xa Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo nhóm chuyên gia trên, sự bùng nổ cho vay quốc tế của Trung Quốc xuất phát chủ yếu từ hai lý do. Một là vì sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, hai là do sự thay đổi trong chính sách toàn cầu của quốc gia này.
Tuy nhiên, khoảng 50% khoản nợ quốc tế mà Trung Quốc đang gửi gắm tại các nước đang phát triển và nền kinh tế mới nổi dường như lại không được các tổ chức tài chính lớn như IMF, Paris Club, các cơ quan đánh giá, cung cấp dữ liệu tư nhân ghi nhận.
"Điều làm cho cho khoản vay quốc tế của Trung Quốc trở nên đáng chú ý không chỉ là số tiền lớn và sự thiếu minh bạch, mà còn là các khoản vay này gần như hoàn toàn do chính phủ, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc kiểm soát", nhà phân tích Trebesch cho hay. Kết quả báo cáo tiết lộ Trung Quốc thường cho vay theo lãi suất thị trường và một phần đưa ra các điều khoản thế chấp đảm bảo hoàn trả bằng hiện vật, ví dụ như bằng hình thức xuất khẩu hàng hóa, trong đó có dầu mỏ.
Các chuyên gia cảnh báo mặc dù nhiều dự án do Trung Quốc tài trợ có thể đem lại lợi ích trước mắt cho người nhận, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng, song phạm vi và sự thiếu minh bạch của các khoản vay này sẽ đặt ra thách thức cho các quốc gia nợ và thị trường tài chính quốc tế.
Theo Baotintuc