Hình ảnh đầu tiên về hai đối tượng tình nghi trong ổ gián điệp CIA mà Iran vừa triệt phá. Ảnh: Tasnim News Agency |
Theo đài Sputnik, một số đối tượng phải nhận án chung thân trong khi một vài nhân viên quân sự khác bị kết án tử hình với tội danh phản quốc.
Truyền hình Iran dự kiến phát sóng một chương trình phim tài liệu bằng tiếng Ba Tư nêu rõ chi tiết cách thức hoạt động của các gián điệp CIA tại Iran, trong đó gồm đoạn video ghi cảnh một nhân viên CIA tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đang tìm cách chiêu mộ một người Iran chưa rõ danh tính.
“Có rất nhiều nhân viên tình báo tại Dubai. Điều đó thực sự nguy hiểm”, một nữ nhân vật nói tiếng Ba Tư bằng giọng Mỹ xuất hiện trong đoạn tài liệu.
Chương trình tài liệu cũng quay được cách thức tình báo Mỹ gửi thiết bị cho nhân viên tại Iran. Trong đoạn video, có thể thấy một người đàn ông đang đập vỡ khối bê tông bên trong được cho là thiết bị gián điệp công nghệ cao.
Bản đầy đủ của chương trình tài liệu sẽ sớm được lên sóng trên kênh truyền hình Press TV với tên gọi “Săn điệp viên” vào 8h30 ngày 23/7.
Video quảng cáo chương trình tài liệu "Săn điệp viên" (nguồn: Press TV):
Trước đó, truyền thông Iran cũng công bố loạt ảnh được cho là chân dung của các gián điệp Mỹ liên quan tới vụ triệt phá ổ tình báo.
Hồi tháng Sáu, Iran lần đầu tiên công bố đã triệt phá một “mạng lưới không gian mạng” của CIA, cho biết đã tóm gọn một ổ gián điệp nhờ sự phối hợp giữa lực lượng chức năng Iran và các quốc gia khác.
Theo Bộ Tình báo Iran, một vài gián điệp đã được tha bổng và tái chiêu mộ, trở thành điệp viên hai mang làm việc cho Iran. Đầu tháng Bảy, tòa án Iran tuyên bố sẽ ra phán quyết án tử hình đối với nhiều đối tượng khả nghi trong đường dây gián điệp này.
Hiện CIA và giới chức Mỹ chưa đưa ra bất kỳ phát ngôn nào liên quan đến các cáo buộc từ phía Iran.
CIA từng bị cáo buộc triển khai các hoạt động bí mật ở Iran vào thời điểm xảy ra cuộc đảo chính 1953 chống lại cựu Thủ tướng Iran Mohammad Mosaddegh sau khi chính phủ của ông này cố gắng quốc hữu hóa đất nước giàu dầu mỏ. Cuộc đảo chính thành công dẫn đến sự trở lại của Mohammad Reza Pahlavi, người phong mình làm Vua Ba Tư và cai trị Iran trong 25 năm tiếp theo trước khi bị lật đổ trong cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang vào hồi tháng Năm, sau khi Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các nhà nhập khẩu dầu của Iran và cử một nhóm tàu sân bay tấn công đến Trung Đông, với lý do sắp xảy ra mối đe dọa từ Iran.
Đến giữa tháng Năm và giữa tháng Sáu, nhiều tàu chở dầu bị tấn công ngoài khơi bờ biển UAE và Vịnh Oman. Ngay lập tức Mỹ đổ lỗi cho Iran. Tehran đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc, cho rằng Washington và các đồng minh khu vực tìm cách làm căng thẳng leo thang.
Ngày 20/6, Iran đã bắn hạ một máy bay không người lái trinh sát của Mỹ khi cho rằng máy bay đó đang hoạt động trên lãnh thổ của mình, dẫn đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cuộc không kích đối với quốc gia Hồi giáo. May mắn, lệnh tấn công đã được hủy vào phút chót.
Theo baotintuc.vn