Theo Bulgarian Military, từ ngày 30-31/5, quân đội Nga đã thực hiện một đợt tập kích liên hoàn nhắm vào các cơ sở quân sự ở nhiều thành phố lớn của Ukraine, tập trung vào các vị trí mà Kiev lưu trữ vũ khí của phương Tây.
Trong số các mục tiêu bị tập kích có căn cứ không quân Stryi - một trong những cơ sở dự kiến sẽ tiếp nhận các tiêm kích F-16 do phương Tây viện trợ. Đây là lần thứ hai Nga tập kích căn cứ Stryi trong tháng 5, lần đầu tiên xảy ra vào ngày 8/5, khiến sân bay này chịu nhiều thiệt hại. Trước đó, Moscow cũng tổ chức tập kích căn cứ không quân Starokonstantinov, một trong những địa điểm mà Ukraine có thể triển khai máy bay F-16.
"Ukraine buộc phải xây dựng sân bay và các cơ sở hạ tầng mới để vận hành F-16. Trong khi đó, Nga có đủ phương tiện và sẽ chờ đợi các cơ sở Ukraine xây dựng đến một mức độ phù hợp trước khi tập kích", ông Viktor Litovkin, Đại tá quân đội Nga về hưu nhận định.
Theo các chuyên gia quân sự, Nga có đủ thông tin và hình ảnh từ các vệ tinh để biết được toàn bộ diễn biến trên tiền tuyến. Do vậy, việc Ukraine xây dựng các cơ sở quân sự mới nhằm phục vụ tiêm kích F-16 gần như chắc chắn sẽ bị phát hiện.
Truyền thông địa phương cho biết, Kiev dự kiến nhận được khoảng 75 chiếc F-16 từ các đối tác phương Tây, thậm chí con số thực tế có thể còn lớn hơn. Với việc Đan Mạch và Hà Lan đồng ý để Ukraine dùng F-16 tập kích các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, chính phủ Ukraine kỳ vọng các máy bay này sẽ thay đổi tình hình trên tiền tuyến.
Tuy nhiên, chiến thuật tập kích mới của Nga đang khiến Ukraine phải đối diện với một vấn đề mới, các máy bay F-16 sẽ cất cánh từ đâu nếu Kiev không thể xây dựng các đường băng và căn cứ không quân mới?
Trên thực tế, NATO có thể cho phép các máy bay F-16 do Ukraine vận hành cất cánh từ các sân bay ở Ba Lan, Romania hay một số nước vùng Baltic. Nhưng viễn cảnh này khó có thể xảy ra, bởi hành động này sẽ đẩy NATO vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.