Từ rất sớm, CIA đã khoét sâu vào mâu thuẫn nội tại trong xã hội Iraq để chia rẽ chính quyền trung ương với các địa phương có các bộ tộc khác nhau sinh sống và chia rẽ nội bộ ban lãnh đạo tối cao Iraq. Đồng thời, tập trung thu thập tin tức và tuyển dụng những người Iraq chạy trốn ra nước ngoài, nuôi dưỡng những kẻ cầm đầu các tổ chức chống đối để chờ thời cơ đưa về nước hoạt động và tham gia chính phủ khi lật đổ được Saddam Hussein.

CIA còn mua chuộc, móc nối, lôi kéo và sử dụng ngay những người thân trong gia đình, bạn bè và những quan chức cấp cao tin cậy của Saddam Hussein. Với thủ đoạn và phương tiện thông tin hiện đại, CIA sử dụng thư điện tử, điện thoại di động, bưu kiện... để tiếp xúc gián tiếp với họ, kêu gọi họ ủng hộ Mỹ, lật đổ Saddam Hussein. Chính vì vậy, trong lực lượng thân cận của  Hussein đã có kẻ phản bội, chỉ điểm cho liên quân ném bom vào Bộ chỉ huy tối cao.

{keywords}
Cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Ảnh: Reuters

Điển hình, tướng Makh Sphen – Tư lệnh Vệ binh Cộng hoà Iraq đã bí mật tiếp xúc với Mỹ và đạt được thoả thuận về việc các lực lượng của ông ta sẽ đầu hàng vô điều kiện. Đổi lại, Mỹ bảo đảm an toàn tính mạng cho cá nhân và binh lính của ông ta. Mỹ còn mua chuộc được Tư lệnh cảnh sát. Do đó, Baghdad và Tikris - thành phố quê hương của Saddam Hussein hầu như bỏ ngỏ, không có sự kháng cự nào đáng kể của phía Iraq khi Mỹ tấn công.

Trước khi cuộc chiến bắt đầu, CIA cùng tình báo quân sự chuẩn bị thông tin về các quan chức cao cấp của Iraq, lập danh sách khoảng 200 nhà lãnh đạo hàng đầu. Kết hợp các thông tin thu được do Cục Điều tra Liên bang (FBI) phỏng vấn những người Iraq đang sinh sống, tị nạn tại Mỹ, CIA xác định được địa điểm trú ngụ, sơ tán của Saddam và các quan chức cao cấp khác.

Ngoài ra, CIA còn huấn luyện, trang bị vũ khí, phối hợp các kế hoạch tác chiến của Mỹ - Anh với lực lượng chống chính quyền Saddam từ bên trong, đặc biệt là lực lượng đối lập người Kurd li khai ở phía Bắc; thu thập tin tức về sự di chuyển lực lượng của quân đội Iraq, phát hiện các mục tiêu quan trọng như hệ thống thông tin, chỉ huy, vị trí quan sát, điều khiển vũ khí…

Chiến tranh bắt đầu, CIA cùng các đơn vị tác chiến đặc biệt thâm nhập vào các thành phố để tìm những người đầu hàng theo Mỹ và giết những người thân cận của  Hussein. Trong các nhóm đó có các xạ thủ bắn tỉa, cài bom, mìn trong nhà, trên xe.

Do nắm chắc được thông tin và có sự chỉ điểm mục tiêu nên các cuộc không kích đạt hiệu quả cao, điển hình là đánh ngay vào cơ quan chỉ huy đầu não, những nơi nghi có Hussein và cộng sự đang họp, hệ thống thông tin chỉ huy, nên các đơn vị Iraq cơ bản mất chỉ huy ngay từ đầu, cấp dưới bị mất liên lạc với trung ương, qua đó đánh ngay vào lòng tin của những người trung thành với Hussein.

CIA còn sử dụng kết quả trinh sát ảnh vệ tinh, hệ thống C4I (Chỉ huy, kiểm soát, thông tin, máy tính, tình báo) nên đã xác định được hầu hết các mục tiêu quan trọng ở Iraq, nhất là  ở Baghdad và chỉ điểm cho máy bay, tàu hải quân đánh phá. Tham số mục tiêu được truyền bằng ảnh qua vệ tinh tới tổ lái đang bay trên không. Vì vậy, các cuộc đánh phá đạt hiệu quả cao, như đánh trúng dinh thự, hầm ngầm của Saddam và các trụ sở chính phủ, đài truyền hình...

Mỹ đã rải hơn 80 triệu truyền đơn kêu gọi binh lính Iraq đầu hàng, thả hơn 2.000 đài bán dẫn chỉ nghe được tin của liên quân Mỹ - Anh. CIA mua chuộc và cài người vào các đài truyền hình có uy tín để đưa tin thất thiệt, nhất là tung tin Saddam đã chết ngay từ cuộc tập kích tên lửa đầu tiên hòng làm lung lay tinh thần của người dân và binh linh Iraq, hoặc đưa tin về người dân Iraq tay cầm cờ, hoa, hân hoan vẫy chào binh lính Mỹ...

Có thể nói tình báo có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lôi kéo, mua chuộc, đi đến quy phục đầu hàng đối với những quan chức cấp cao, quân đội và cảnh sát Iraq, góp phần vào xác định, chỉ thị mục tiêu cho không quân, tên lửa, lục quân tiến công chính xác và hiệu quả. Sự kết hợp tình báo với tiến công hoả lực đường không, đường bộ, chiến tranh tâm lí thực sự đã tạo ra “cơn sốc và nỗi kinh hoàng” trong hàng ngũ quân đội Iraq, nhanh chóng thúc đẩy giờ tận thế của chế độ Saddam Hussein.

Nguyên Phong