Công việc của một phi công luôn khiến nhiều người tò mò nhưng đằng sau sự hào nhoáng cũng lắm những vất vả.
Lý Hán là phi công ở Trung Quốc. Anh đã có kinh nghiệm hàng ngàn giờ bay. Anh hiện là phi công của hãng hàng không Southern Airlines. Phóng viên một tờ báo ở Trung Quốc đã theo chân phi công này để chứng kiến 1 ngày làm việc.
10h30' sáng, anh Lý Hán rời nhà đến sân bay để chuẩn bị cùng đồng nghiệp khởi hành từ Quý Dương đến Quảng Châu. Cũng như tiếp viên hàng không, các phi công cũng chuẩn bị rất kỹ lưỡng về trang phục trước khi ra sân bay.
Anh cho biết, với công việc bận rộn, anh có rất ít thời gian dành cho gia đình. Nhưng mỗi khi có thời gian ở nhà, đó là thời điểm nghỉ ngơi bên vợ và con vô cùng thoải mái.
Trước khi ra khỏi nhà bắt đầu một chặng bay mới, anh Lý đều được vợ và con tiễn rất chu đáo. Trước khi chuyến bay diễn ra, anh đã phải chuẩn bị các tài liệu, thông tin về chuyến bay, áo phản quang, kính, đèn pin, máy tính xách tay, iPad và hộ chiếu (với các chuyến bay ra nước ngoài).
Anh Lý trở thành phi công năm 2009, hiện đã có kinh nghiệm hơn 12.000 giờ bay. Anh Lý từng học ở Học viện Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh trong 2 năm, sau đó trải qua 2 năm huấn luyện ở Australia và gia nhập hãng Southern Airlines sau khi tốt nghiệp.
Trong vòng 12 giờ trước chuyến bay, anh Lý không được uống rượu. Nếu có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe phải báo cáo với bộ phận y tế hàng không, không được tự ý mua và sử dụng thuốc bên ngoài.
Trong vòng 1,5 tiếng trước khi chuyến bay cất cánh, cơ trưởng sẽ kiểm tra thông tin chuyến bay, thông tin về tổ bay...và vào trong khu vực của phi công để kiểm tra các máy móc, thiết bị...
Trước đó, cơ trưởng sẽ họp cùng cơ phó, các thành viên phi hành đoàn. Sau khi cuộc họp diễn ra, cơ trưởng cùng các thành viên phi hành đoàn sẽ ra khu vực đỗ của máy bay để chuẩn bị cất cánh. Cơ trưởng sẽ nhập các thông tin về chuyến bay, giờ khởi hành, nơi đến, giờ hạ cánh...
Sau khi tất cả đã sẵn sàng, cơ trưởng sẽ cho máy bay cất cánh. Khi máy bay đã đạt đến độ cao nhất định sẽ được chuyển sang chế độ lái tự động. Tuy nhiên, không có nghĩa các phi công được nghỉ ngơi mà phải thường xuyên theo dõi tình trạng của chuyến bay để cập nhật các thông tin về độ cao, liên lạc với đài kiểm soát không lưu.
Khoảng 8 phút trước khi hạ cánh, máy bay được phi công điều khiển bằng tay không còn chế độ lái tự động. Cơ trưởng luôn là người rời khỏi máy bay cuối cùng để xử lý tất cả những tình huống phát sinh dù hành khách đã rời máy bay.
Với công việc bận rộn cùng những chuyến bay, anh Lý Hán thường về nhà lúc nửa đêm. Anh chia sẻ, có những tháng không ở nhà quá 3 ngày.