Thông tin trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ với các đại biểu Quốc hội trong phần giải trình, làm rõ thêm các nội dung về xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng CNTT trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vào chiều ngày 8/11/2019.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm rõ thêm một số vấn đề về xây dựng Chính phủ điện tử trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vào chiều 8/11 (Ảnh: Quochoi.vn) |
4 vấn đề quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử
Cũng trong trao đổi với các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá, sau 20 năm chúng ta đã đạt được những tiến bộ trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, được Liên hợp quốc xếp thứ 88/193 quốc gia, nền kinh tế và lãnh thổ về phát triển Chính phủ điện tử. “Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn nhận thẳng thắn rằng nhiều kết quả mà chúng ta mong đợi vẫn chưa đạt được”, Bộ trưởng nói.
Điểm lại một số vấn đề nổi bật trong Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2025”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, về xây dựng, hoàn thiện thể chế, Chính phủ giao cho các cơ quan xây dựng và ban hành các Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu; bảo mật cá nhân, xác thực và định danh điện tử; cũng như giao cho Bộ Nội vụ sửa tiếp Nghị định 110 về văn thư lưu thư lưu trữ để tiến tới lưu trữ điện tử; quy định cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm và đến thời điểm thích hợp Chính phủ sẽ nghiên cứu để trình Quốc hội ban hành Luật Chính phủ điện tử.
Vấn đề quan trọng thứ hai là nền tảng hạ tầng công nghệ, theo người đứng đầu Văn phòng Chính phủ, yêu cầu đặt ra là cần sớm ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0 để các cơ quan, các nhà mạng căn cứ vào các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong khung kiến trúc này, đảm bảo các phần mềm được kết nối. Hạ tầng CNTT phải đảm bảo an ninh thông tin. Về hạ tầng dùng chung, hiện nay chúng ta đã có Mạng truyền số liệu chung dùng của các cơ quan của Đảng, Chính phủ; đã có Trục liên thông văn bản quốc gia gửi, nhận văn bản quốc gia được khai trương ngày 12/3/2019 đến nay hoạt động rất hiệu quả.
Về nền tảng dữ liệu Chính phủ điện tử dựa trên các CSDL và dữ liệu mở để hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, hiện nay CSDL quốc gia về bảo hiểm đã cơ bản hoàn thành và tinh lọc được 85 triệu thẻ bảo hiểm xã hội. Chũng ta cũng đã có CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp do Bộ KH&ĐT chủ trì; CSDL quốc gia về tài chính đang được Bộ Tài chính hoàn thiện.
“Hiện nay còn hai nội dung lớn. Vấn đề liên quan đến CSDL quốc gia về dân cư thì tới đây Thủ tướng sẽ chủ trì để nghe Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo và tháo gỡ. Đồng thời, cũng bổ sung vốn đầu tư công dự phòng cho việc này. CSDL quốc gia về đất đai đang tiếp tục xem xét việc xử lý”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thực trạng các CSDL của chúng ta đang phân tán và tập trung. Quan điểm là chúng ta vừa tập trung, vừa phân tán: “Cái gì tập trung, cái gì phân tán? ví dụ như CSDL quốc gia về dân cư, chúng ta phải tập trung giao Bộ Công an; CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp giao cho Bộ KH&ĐT; CSDL quốc gia về bảo hiểm giao cho cơ quan bảo hiểm. Còn những nội dung khác chúng ta có thể phân tán".
Đáng chú ý, trong phần giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ quan điểm về vấn đề huy động nguồn lực doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và tranh thủ kinh nghiệm chuyên gia quốc tế trong xây dựng Chính phủ điện tử, theo đó thực hiện phương án, giải pháp thuê doanh nghiệp đầu tư trên cơ sở đặt đầu bài của nhà nước và nhà nước thuê lại.
Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ
Riêng về cung cấp dịch vụ công, người đứng đầu Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến phải đảm bảo nguyên tắc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, cải cách hành chính là dẫn dắt và ứng dụng CNTT là phương tiện.
Do đó, để triển khai dịch vụ công trực tuyến thành công đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải triệt để tuân thủ nguyên tắc này, đồng thời tập trung nguồn lực để tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; lựa chọn những dịch vụ công thiết yếu để thực hiện trước.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, để triển khai dịch vụ công trực tuyến thành công đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải triệt để tuân thủ nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, cải cách hành chính là dẫn dắt và ứng dụng CNTT là phương tiện (Ảnh minh họa: Internet) |
Báo cáo với Quốc hội về lộ trình triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, vào cuối tháng 11/2019, Cổng này sẽ được khai trương, có thể cung cấp ngay một số dịch vụ: nộp thuế doanh nghiệp; cấp đổi giấy phép lái xe trong nước và quốc tế; đăng ký khuyến mại; cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; thông báo khuyến mại; cấp điện hạ áp và trung áp; thu tiền điện.
Tiếp theo, trong quý I/2020, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ cung cấp danh mục dịch vụ công trực tuyến gồm: thu thuế cá nhân, cấp đăng ký khai sinh, thu tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; thu phí, lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy; đăng ký giao dịch đảm bảo; cấp phiếu lý lịch tư pháp; đăng ký kinh doanh.
Bên cạnh việc tiết kiệm nhiều chi phí nhờ cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành, theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, Trục liên thông văn bản quốc gia khai trương ngày 12/3/2019 đến nay đã nhận được 578.868 văn bản và gửi đi là 206.458 văn bản.
“Thay vì trước đây có sự chậm trễ, có vấn đề liên quan đến rào cản từ những công chức thi hành công vụ, thì bây giờ với việc toàn bộ văn bản đều được gửi nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia, chúng ta không phải mất tiền mua giấy, mua mực hay trả bưu chính phí, nhờ đó mỗi năm tiết kiệm khoảng 1.200 tỷ đồng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm, thời gian tới, sẽ tiếp tục tập trung xây dựng Trung tâm báo cáo quốc gia; Trung tâm chỉ đạo, điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Trung tâm tham vấn chính sách và tới đây sẽ tập trung một số việc để thực hiện tinh thần Trung tâm của Chính phủ phải phục vụ những gì mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người dân.