- Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra xử lý nghiêm các cơ quan báo chí có hoạt động không đúng tôn chỉ của báo, đặc biệt là đưa thông tin sai sự thật.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban Quản lý nhà nước tháng 11/2016 của Bộ TT&TT. |
Phát biểu tại Hội nghị giao ban QLNN tháng 11/2016, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, trong tháng 11 đã có gần 70 cơ quan báo chí bị xử phạt, trong đó 50 cơ quan báo chí vi phạm trong việc thông tin sai vụ nước mắm nhiễm arsen và 14 cơ quan báo chí đưa tin sai sự thật vụ cháu bé tử vong ở Gia Lai. Người đứng đầu Bộ TT&TT đề nghị Cục báo chí phối hợp với các cơ quan liên quan, nhất là cơ quan chủ quản, tiếp tục xử lý sai phạm và có hình thức kỷ luật với các cá nhân có liên quan.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu các Cục, Vụ gồm Báo chí, Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử, Thông tin đối ngoại, Thông tin cơ sở, Thanh tra Bộ phải tăng cường quản lý nhà nước về thông tin, nhất là trong dịp cuối năm 2016, đầu năm 2017. Bộ sẽ tập trung theo dõi, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại tập trung tuyên truyền nghị quyết ĐH Đảng lần thứ 12, quán triệt triển khai nghị quyết TW 4, các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của TW, Ban bí thư, chính phủ và dưới chính phủ, tới nhân dân, không để kẻ xấu lợi dụng kích động, xuyên tạc, gây rối trật tự an ninh, an toàn xã hội.
Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Cục Báo chí rà soát, xử lý các ấn phẩm phụ, nếu có sai phạm thì đình bản vĩnh viễn nhằm giải quyết tình trạng một tờ báo có quá nhiều ấn phẩm phụ và ấn phẩm phụ nuôi ấn phẩm chính. Cục Phát thanh– Truyền hình & Thông tin điện tử cũng cần rà soát xử lý vi phạm của các trang tin điện tử, mạng xã hội. Trong khi đó, Thanh tra Bộ phải phối hợp kiểm tra giám sát các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, nhất là viễn thông, báo chí, để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm.
Báo cáo về việc xử lý các vi phạm trong lĩnh vực báo chí, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cho biết thêm, trong tháng qua, đã có 70 cơ quan báo chí bị xử lý với tổng mức phạt vi phạm hành chính là 1 tỷ 420 triệu đồng, trong đó riêng vụ “nước mắm arsen” xử phạt 1 tỷ 139 triệu đồng. Cục Báo chí đã thu hồi 3 thẻ nhà báo của lãnh đạo cơ quan báo chí và dự kiến trong tháng 12 sẽ xem xét xử lý 40 cơ quan báo chí khác về việc lấy lại thông tin sai sự thật của nhau, nhằm chấn chỉnh việc lấy lại thông tin, lan truyền thông tin sai sự thật trong cộng đồng. Bên cạnh đó, Cục sẽ tiến hành đánh giá nội dung của các ấn phẩm báo chí để phát hiện các hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích của báo.
Liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thời gian qua, đại diện cho Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử cũng thông tin rằng, tính đến ngày 20/11, Cục đã làm việc với 45 đại diện của các công ty, tổ chức hoạt động phát thanh truyền hình và các trang thông tin điện tử trên mạng để tiến hành thanh tra, xác định các vi phạm. Trong tháng 11, Cục đã ban hành 27 quyết định xử phạt hành chính, với tổng số tiền phạt là 1 tỷ 611 triệu đồng.
Tuấn Anh