Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, Cục Tần số Vô tuyến điện đã tiếp nhận, xử lý 83 vụ can nhiễu, trong đó số vụ can nhiễu di động chiếm tỷ lệ áp đảo, lên tới 61 vụ.
Tại Hội nghị Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2015 diễn ra sáng nay, 16/7, cơ quan này cho biết vẫn đang tích cực xác định các nguồn gây nhiễu có hại trên hai băng tần 900 MHz và 2100 MHz của cả ba nhà mạng trên địa bàn Hà Nội (khoảng 50 điểm). Trước đó, hồi đầu tháng 7, Cục đã phối hợp với Thanh tra Sở TT&TT và công an TP.Hà Nội tiến hành kiểm tra 3 nguồn can nhiễu tại Quan Thổ 3, Đê La Thành và Khâm Thiên.
Như VietNamNet đã đưa tin, tình trạng can nhiễu di động không phải là mới xuất hiện, nhưng bất ngờ gia tăng đột biến tại Hà Nội trong vài tháng trở lại đây. Theo ghi nhận của Cục Tần số, số vụ can nhiễu rộ lên mạnh sau khi các nhà mạng viễn thông, đặc biệt là Viettel tiến hành thử nghiệm cung cấp dịch vụ 3G trên băng tần 900 MHz của 2G. Nguyên nhân can nhiễu được xác định là do người dân/doanh nghiệp đã tự ý lắp đặt các thiết bị kích sóng không hợp quy, không đủ chuẩn mà không biết rằng đó là hành vi vi phạm quy định. Bên cạnh đó, một số thiết bị RFID cũng gây can nhiễu cho mạng di động.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân gián tiếp là các thiết bị kích sóng đang được bán tràn lan trên thị trường, với giá chỉ khoảng 4 triệu đồng. Do đó, người dân dễ dàng tiếp cận và mua được khi họ có nhu cầu sử dụng. Để chấm dứt tình trạng này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý thị trường.
"Các vụ can nhiễu do điện thoại kéo dài, do thiết bị RFID, thiết bị Repeater tiếp tục xảy ra, đặt ra các yêu cầu cấp bách cho công tác quản lý, nhất là ở các khâu nhập khẩu thiết bị, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn, kiểm tra chất lượng thiết bị trước khi đưa vào sử dụng", Cục Tần số khuyến nghị. Đồng thời, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra, xử lý vi phạm, tăng cường phối hợp với các Sở TT&TT, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quyết định xử lý sau thanh tra để đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của nhà nước về sử dụng tần số.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: T.T |
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng chỉ đạo Cục Tần số thực hiện đồng thời cả phòng và chống trong xử lý can nhiễu, trong đó công tác phòng nhiễu được triển khai từ ngay chính trong công tác quy hoạch tần số, công tác thông tin tuyên truyền và ở khâu quản lý thiết bị trên thị trường.
Trong đó, Cục Tần số đã thực hiện tốt nhiệm vụ quy hoạch tần số thông qua việc hoàn thành và trình Thủ tướng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành phân bổ băng tần (470-10700) MHz phục vụ mục đích kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh đúng tiến độ; kịp thời tham mưu ban hành Thông tư Sửa đổi Quyết định 25/2008 của Bộ TT&TT về phê duyệt quy hoạch băng tần cho hệ thống thông tin di động tế bào số của Việt Nam trong các dải tần (821-960)MHz và (1710-2200)MH.
Thứ trưởng đặc biệt lưu ý Cục Tần số cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tần số nhằm bảo đảm an toàn hàng không, đặc biệt là tại các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ...
Đảm bảo số hóa truyền hình đúng tiến độ
Ngoài việc xử lý can nhiễu thì triển khai Đề án số hóa truyền hình cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của Cục Tần số trong 6 tháng đầu năm. Hiện tại, Đề án vẫn đang diễn ra tương đối bám sát lộ trình. Kể từ ngày 1/7 vừa qua, Đà Nẵng đã tiến hành cắt sóng analog đối với 3 kênh truyền hình VTV6, VTV Đà Nẵng và DRT1. 6 kênh truyền hình còn lại là VTV1, VTV2, VTV3, VTC1, VTC9 và DRT 2 vẫn tiếp tục được phát sóng analog đến hết ngày 30/9/2015, tạo điều kiện để người dân vẫn có thể xem truyền hình analog bình thường (gồm cả các kênh trung ương lẫn địa phương, thời sự - chính trị - xã hội lẫn giải trí), trước khi các hộ nghèo, cận nghèo nhận được đầu thu hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Thị trường đầu thu set-top box nhờ đó cũng đã có được cú hích cần thiết. Một số doanh nghiệp đầu thu cho biết, lượng STB bán ra trong 9 ngày trước khi tắt sóng của họ bằng từ đầu năm cộng lại, do người dân đổ dồn đi mua đầu thu vào phút chót, đúng theo dự đoán trước đó của Cục Tần số. Hiện nay, nhiều hãng sản xuất và nhập khẩu STB trong nước như VNPT Technology, Viettel, VTV Broadcom, Hanel... đều đã sẵn sàng về mặt công nghệ, dây chuyền, tuy nhiên, do chưa nhìn thấy nhu cầu từ phía thị trường nên vẫn tung sản phẩm một cách cầm chừng. Do đó, nếu sức cầu tăng lên, thị trường STB nội địa sẽ có cơ hội mở rộng đáng kể về mặt quy mô.
Liên quan đến chính sách, văn bản pháp luật, Cục Tần số hiện đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam, trình Bộ TT&TT. Thông tư này hiện đã được gửi sang Bộ Tài chính để thẩm định và ban hành. Dù vậy, theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số thì khó khăn nằm ở chỗ để hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo và cận nghèo, sau khi Thông tư có hiệu lực, còn phải trải qua nhiều giai đoạn như: đấu thầu, đặt hàng, sản xuất và phân phát.
Tiến độ hoạt động của các công ty truyền dẫn phát sóng khu vực cũng đang được đẩy nhanh. Cục đã hướng dẫn Công ty TNHH truyền hình kỹ thuật số Miền Nam hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép tần số phát sóng DVB-T2 tại khu vực Nam Bộ và đang giải quyết hồ sơ của Công ty cổ phần truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng Sông Hồng xin cấp thử nghiệm Kênh 48.
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh mục tiêu lớn nhất của đề án số hóa truyền hình là sắp xếp hệ thống phát thanh truyền hình tiến tới sử dụng chung cơ sở hạ tầng, từng bước hình thành thị trường truyền dẫn vận hành theo cơ chế thị trường. Với ý nghĩa quan trọng như vậy, việc Đề án bám sát lộ trình là hết sức cần thiết. Đối với vướng mắc trong việc hỗ trợ đầu thu mà ông Hoan đã nêu ra trước đó, Thứ trưởng chỉ đạo Cục Tần số cần khẩn trương tổ chức ngay đấu thầu sản xuất đầu thu truyền hình để hỗ trợ các hộ nghèo và cận nghèo theo quy định của Luật đấu thầu.
T.C