Ngày 1/7, Tổng cục Thống kê cho biết: Tổng điều tra kinh tế năm 2021 là cuộc Tổng điều tra kinh tế lần thứ 6 tại Việt Nam nhằm cung cấp thông tin toàn diện về tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên cả nước. Cuộc Tổng điều tra kinh tế lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam vào năm 1995 và cuộc Tổng điều tra kinh tế lần gần đây nhất được thực hiện vào năm 2017.
Tổng điều tra kinh tế thực hiện 5 năm 1 lần. Ảnh: Lương Bằng |
Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được thực hiện trong hai giai đoạn. Giai đoạn I (từ ngày 01/3 đến ngày 30/5/2021) thực hiện thu thập thông tin toàn bộ các doanh nghiệp, hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp; hiệp hội. Giai đoạn II (từ ngày 01-30/7/2021) thực hiện thu thập thông tin toàn bộ các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Nội dung thông tin cần thu thập của Tổng điều tra kinh tế giai đoạn II bao gồm: Kết quả sản xuất kinh doanh phân tổ chi tiết theo các đơn vị hành chính và theo phân ngành kinh tế; số lượng, quy mô và lao động của các đơn vị điều tra; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin;...
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng CNTT thống kê cho biết: Tổng điều tra kinh tế giai đoạn II diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp ở một số địa phương và diễn biến khó lường ở tất cả các địa phương còn lại trong cả nước; việc tiếp xúc trực tiếp được khuyến cáo hạn chế để tránh lây nhiễm dịch. Trong khi đó, phương án Tổng điều tra kinh tế giai đoạn II yêu cầu một điều tra viên thực hiện thu thập thông tin của nhiều đơn vị điều tra (trung bình là 205 cơ sở/điều tra viên) với hình thức thu thập thông tin là gặp và hỏi đáp trực tiếp.
Do vậy, để đảm bảo thực hiện theo đúng phương án Tổng điều tra, đồng thời đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia điều tra (gồm giám sát viên và điều tra viên) và các cơ sở là đối tượng điều tra, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp cần hướng dẫn thực hiện thu thập thông tin phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch tại địa phương.
Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp tại địa phương cần trao đổi với Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương về những trường hợp đặc thù, có nguy cơ ảnh hưởng đến mức độ an toàn của những người tham gia điều tra để thống nhất hướng dẫn thực hiện trong thời gian thu thập thông tin tại địa bàn.
Ông Nguyễn Trung Tiến, Ủy viên Ban Chỉ đạo, Tổng điều tra kinh tế Trung ương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ: Tổng điều tra kinh tế là một trong ba cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia được quy định trong Luật Thống kê với chu kỳ thu thập thông tin là 5 năm một lần. Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được thực hiện theo Quyết định số 307/ QĐ-TTg ngày 27/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đây là cuộc Tổng điều tra kinh tế lần thứ 6 tại Việt Nam.
"Tổng điều tra kinh tế năm 2021 đã ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong các giai đoạn của Tổng điều tra đảm bảo tiến độ và chất lượng thông tin", ông Nguyễn Trung Tiến cho biết.
Tổng điều tra kinh tế Giai đoạn II sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn bộ các xã/phường/thị trấn rộng khắp cả nước nhằm thu thập thông tin của trên 5 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và trên 45 nghìn cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, dự kiến lực lượng tham gia Tổng điều tra kinh tế Giai đoạn II là khoảng 30 nghìn người, trong đó khoảng 25 nghìn điều tra viên thống kê có trình độ nghiệp vụ, kỹ năng điều tra và có thể sử dụng thành thạo các thiết bị di động thông minh (máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh) sẽ được tuyển dụng để thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin tại địa bàn.
Lương Bằng
Giữa đại dịch hoành hành, Việt Nam công bố con số gây ngạc nhiên
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, GDP tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.