Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 đã thành công tốt đẹp với sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và sự tham gia tích cực, đông đảo của đại diện các ban, bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các cơ quan ngoại vụ địa phương. Điều này cho thấy sự quan tâm tích cực của các cấp, các ngành đối với công tác ngoại vụ địa phương.

chiase.jpg
Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long chia sẻ với các hiệp hội doanh nghiệp về hợp tác kinh tế với Vương quốc Anh trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32

267 đề xuất, kiến nghị của các địa phương gửi đến Bộ

Chia sẻ về kế hoạch Bộ Ngoại giao tiếp tục hỗ trợ  công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương trên cả nước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho hay, trước Hội nghị, Bộ Ngoại giao đã đề nghị các địa phương có những “đặt hàng” cụ thể, đề xuất, kiến nghị cho Bộ Ngoại giao.

Theo thống kê, đã có 267 đề xuất, kiến nghị của các địa phương gửi đến Bộ.

Với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương”, Hội nghị tập trung vào việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương và tổ chức nhiều hoạt động kết nối địa phương với các đối tác quốc tế.

Bà Lê Thu Hằng chia sẻ với báo chí, ba nội dung tâm đắc: Một là, cần tiếp tục và phát huy hơn nữa vai trò tiên phong của đối ngoại trong phục vụ phát triển, nâng cao vị thế đất nước nói chung và đối với sự phát triển bền vững của các địa phương nói riêng.

Hai là, cần phát triển công tác đối ngoại địa phương theo hướng tổng thể, toàn diện, tiếp cận liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, lấy chất lượng, hiệu quả và tính bền vững làm tiêu chí hàng đầu. Công tác ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, cơ bản để hỗ trợ các địa phương quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, thu hút các nguồn lực từ nước ngoài.

Ba là, chú trọng nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương, trong đó đổi mới về nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực triển khai đối ngoại và hội nhập quốc tế của các cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương; có các chính sách quy hoạch, bố trí, sử dụng hiệu quả cán bộ làm công tác này.

Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương trong thời gian tới

Với tinh thần phụng sự, lấy địa phương làm trung tâm phục vụ, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương trong thời gian tới với một số trọng tâm sau:

Một là, cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, toàn diện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đại hội XIII của Đảng, chuẩn bị nội dung về công tác đối ngoại cho Đại hội Đảng bộ của các địa phương trong thời kỳ tới cũng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Hai là, đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế toàn diện, hiệu quả, thực chất theo tinh thần Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế và Nghị quyết 21 của Chính phủ về triển khai Chỉ thị 15.

Ba là, để phát triển bền vững thông qua: Tăng cường cung cấp thông tin về các diễn biến kinh tế thế giới, triển khai công tác đối ngoại, các vấn đề tác động trực tiếp đến các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp trong nước; Thông tin về các quy tắc quản trị, tiêu chuẩn mới, các xu hướng mới trong hợp tác kinh tế quốc tế; Tư vấn chính sách về các vấn đề xã hội địa phương trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế; Hỗ trợ địa phương thiết lập và tận dụng hiệu quả quan hệ kết nghĩa với các địa phương trên thế giới, quan hệ hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia, tổ chức quốc tế và hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, tham gia các cơ chế hợp tác quốc tế cấp độ địa phương; Đồng hành cùng địa phương trong các hoạt động quảng bá, kết nối, xúc tiến, sự kiện văn hóa, giao lưu nhân dân với cách làm sáng tạo, đổi mới gắn với nhu cầu và tiềm năng của địa phương.

Bốn là, tiếp tục triển khai toàn diện và mạnh mẽ công tác đối ngoại địa phương trên các lĩnh vực ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và kết nối kiều bào với địa phương, công tác biên giới lãnh thổ, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, công tác thanh tra chuyên ngành ngoại giao, công tác ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, quản lý hội nghị hội thảo quốc tế.

Năm là, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại địa phương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực, phong cách chuyên nghiệp hiện đại, có tinh thần đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu đẩy mạnh việc biệt phái và điều chuyển cán bộ ngoại giao có kinh nghiệm, phẩm chất, năng lực về công tác tại địa phương để tăng cường hơn nữa công tác trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo cán bộ, giúp xây dựng một đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại đáp ứng các yêu cầu trong thời kỳ mới.