Trong một báo cáo mới đây của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Vẫn còn xấp xỉ 58% diện tích vùng biển độ sâu 0-30m chưa được điều tra, đánh giá; 18% diện tích vùng biển chưa được lập hải đồ, bản đồ. Phần lớn diện tích vùng biển nông dưới 100 m nước (xấp xỉ 75% diện tích) cũng như 100% diện tích các vùng biển sâu, xa bờ (trên 100 m nước) chưa được điều tra địa chất khoáng sản biển. Đặc biệt, một số địa phương còn chưa quan tâm bố trí kịp thời kinh phí cho các dự án, nhiệm vụ về thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, thiết lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo.
Bên cạnh đó, việc quản lý về khai thác, sử dụng tài nguyên biển vẫn chủ yếu theo phương thức quản lý ngành mà chưa chú trọng đến quản lý theo phương thức tổng hợp do các công cụ quan trọng để triển khai thực hiện phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo mới đang được xây dựng như Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, hệ thống cơ sở dữ liệu về biển, hải đảo. Đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo ở cả trung ương và địa phương còn thiếu và chưa đủ kinh nghiệm nên khó đáp ứng hiệu quả công việc. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho điều tra, nghiên cứu khoa học, quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo còn nhiều hạn chế.
Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo còn thiếu và chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhất là trang thiết bị, nguồn nhân lực, tài chính cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng nêu ra tình trạng trên là do biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; việc gia tăng khai thác tài nguyên nước từ phát triển thủy điện các quốc gia thượng nguồn; sự gia tăng dân số, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ; Số lượng nguồn thải lớn ven biển làm gia tăng phát thải khí nhà kính, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học.
Về chủ quan, do việc thực thi vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội còn chưa tốt. Nhận thức, ý thức về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu. Việc thể chế hóa chủ trương, chính sách của Nghị quyết còn chậm, chưa kịp thời; Nguồn lực tài chính, con người, trang thiết bị cho công tác điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên biển và hải đảo còn thiếu, chưa được quan tâm đúng mức; Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý tài nguyên môi trường chưa mạnh mẽ; chuyển đổi số của ngành mới được triển khai, kết quả đạt được chưa đáp ứng với yêu cầu…
Chủ trương của Đảng trong thời gian tới là tiến ra biển để khai thác và làm chủ biển, phấn đấu Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh. Do đó, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đề xuất thời gian tới cần thiết thiết lập, bổ sung các mục tiêu cụ thể về điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; Bổ sung các mục tiêu về bảo vệ môi trường biển và hải đảo, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng theo mục tiêu của Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể: khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương. Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000.
Bên cạnh đó là tiếp tục điều tra, đánh giá tiềm năng, giá trị của các nguồn tài nguyên khoáng sản và biển quan trọng; Ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực biển. Đánh giá tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo…