Thêm nguồn vốn vượt qua đại dịch

Vietnam Airlines vừa ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với tổng số tiền cho vay 4.000 tỉ đồng.

Trước đó, cuối năm 2020, gói giải pháp hỗ trợ 12.000 tỉ đồng về giải pháp hỗ trợ từ cổ đông Nhà nước trong vai trò chủ sở hữu đã được Quốc hội thông qua để bù đắp thanh khoản và tăng vốn chủ sở hữu cho Vietnam Airlines.

Đây là một trong các giải pháp của Chính phủ trong vai trò cổ đông Nhà nước nắm giữ 86,19% cổ phần tại Vietnam Airlines để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Sau khi có nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Vietnam Airlines đã chủ động làm việc với một số tổ chức tín dụng để tìm kiếm sự chấp thuận cho vay vốn mang tính nguyên tắc từ các ngân hàng trong bối cảnh tình hình tài chính của Vietnam Airlines bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19.

Việc Vietnam Airlines tiếp nhận được gói hỗ trợ tín dụng từ Chính phủ đã mang lại cơ hội nhận được “phao cứu sinh” cho các hãng hàng không nội địa khác, nhất là khi Chính phủ đang xem xét triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, trong đó các doanh nghiệp hàng không là đối tượng ưu tiên hàng đầu.

Theo ông Đặng Ngọc Hòa - chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cho biết bên cạnh gói giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, để khắc phục khó khăn trước diễn biến dịch COVID-19 kéo dài, Vietnam Airlines cũng đã và đang triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp tự thân nhằm cắt giảm chi phí như tái cơ cấu doanh nghiệp; thu hẹp sản xuất kinh doanh theo quy mô thị trường; tối ưu hóa hoạt động bảo dưỡng tàu bay; đàm phán với các nhà cung ứng giãn, hoãn thanh toán và áp dụng chính sách tiền lương trong giai đoạn dịch COVID-19...

Ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành hàng không chịu thiệt hại nặng nề. Trong công văn kêu cứu gửi Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Hàng không Việt Nam cho biết, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, gây ảnh hưởng bất lợi tới nền kinh tế nói chung và ngành hàng không trong nhiều năm tới. 

Trong khi đó, hàng không là ngành có tác động to lớn và nhiều mặt tới phát triển kinh tế - xã hội. Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế IATA, ngành hàng không dân dụng đóng góp khoảng 5,2% GDP của Việt Nam.

{keywords}
Nhiều hỗ trợ cho doanh ngành hàng không vượt qua đại dịch 

Hỗ trợ ngành hàng không

Theo nghị quyết 84/NQ-CP nhằm giúp ngành hàng không vượt qua những khó khăn của đại dịch, Hiệp hội Hàng không đề nghị tiếp tục thực hiện (có điều chỉnh) các khoản hỗ trợ cho các hãng hàng không nhằm vượt qua khó khăn.

Cụ thể, triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các hãng cải thiện khả năng thanh toán (gói tín dụng 25.000 - 27.000 tỉ đồng), tiếp tục xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tới hết năm 2024.

Đồng thời, Hiệp hội này cũng kiến nghị tiếp tục hỗ trợ về giảm phí, lệ phí với một số hoạt động và dịch vụ hàng không (phí sử dụng sân đỗ với máy bay của các hãng hàng không Việt Nam, phí cất/hạ cánh…).

Thực hiện việc giảm 50% phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay và tiếp tục giảm giá điều hành bay, giãn thuế và các nghĩa vụ tài chính với từng doanh nghiệp, áp dụng tiếp khung giá với mức tối thiểu 0 đồng với dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước đến hết tháng 12.2021; giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay (tối thiểu giảm 70%) trong năm 2021…

Trước đề nghị của Hiệp hội Hàng không Việt Nam “xin” hỗ trợ gói tín dụng 25.000 – 27.000 tỷ đồng để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Chính phủ đang xem xét các kiến nghị của Bộ GTVT liên quan đến việc tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá đến hết năm 2021; giảm thuế giá trị gia tăng về 0%; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các ngành nghề bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch; cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến ngày 31/12/2021 (không tính lãi chậm nộp).

Đồng thời, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ xem xét đề xuất mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không về việc dành cho các hãng hàng không vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 4%, thời hạn 3-5 năm để các hãng duy trì nguồn lực, có nguồn vốn phục hồi, phát triển.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bài và ảnh: Thu Thủy