Tiếng nói, chữ viết là hồn cốt của mỗi tộc người. Nhưng trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, nhiều đồng bào DTTS đã quên tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS là việc quan trọng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của mỗi tộc người.
Giữa năm ngoái, Ủy ban Dân tộc đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc khảo sát, đánh giá và báo cáo thực trạng sử dụng tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số (DTTS) đối với dân tộc Thái, Tày, Dao để làm cơ sở để Ủy ban Dân tộc đánh giá các chính sách sử dụng tiếng nói, chữ viết DTTS, nhận diện các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, đồng thời có giải pháp để thực hiện các chính sách hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Kết quả cho thấy, tại nhiều địa phương, tiếng nói và chữ viết của nhiều DTTS dù được công nhận nhưng lại chỉ được phổ biến trong phạm vi giới hạn, không ít người DTTS không có cơ hội để sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình.
Trước yêu cầu thực tiễn của ngành Giáo dục nước nhà, ngày 22/11/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư số 32/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Theo Thông tư số 32/TT-BGDĐT ngày 22/11/2021 của Bộ GD&ĐT, điều kiện để tổ chức dạy học là người DTTS ở địa phương có nguyện vọng, nhu cầu học tiếng DTTS trong các cơ sở giáo dục; Bộ chữ tiếng DTTS được dạy và học trong các cơ sở giáo dục phải là bộ chữ cổ truyền đã được lưu hành và sử dụng rộng rãi trong cộng đồng dân tộc, được cơ quan chuyên môn xác định và được UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê chuẩn hoặc bộ chữ được Chính phủ ban hành. Đối với các tiếng DTTS có nhiều bộ chữ, việc lựa chọn bộ chữ để dạy học do Bộ GD&ĐT quyết định.
Thông tư cũng quy định, chương trình tiếng DTTS do Bộ GD&ĐT ban hành, sách giáo khoa tiếng DTTS được Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Giáo viên dạy tiếng DTTS đạt trình độ chuẩn được đào tạo của cấp học tương ứng theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019. Trường hợp thiếu giáo viên đạt chuẩn có thể sử dụng người đủ điều kiện dạy học ở cấp học và có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng DTTS.
Để tổ chức dạy học, cơ sở vật chất tại các lớp dạy học tiếng DTTS phải được trang bị như các lớp học thông thường khác, đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông. Thiết bị dạy học tiếng DTTS được trang bị theo quy định của Bộ GD&ĐT về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho từng chương trình dạy học tiếng DTTS.
Theo Thông tư, nội dung, phương pháp và kế hoạch dạy học tiếng DTTS được quy định trong từng chương trình tiếng DTTS hiện hành do Bộ GD&ĐT ban hành. Môn Tiếng DTTS được thực hiện theo chương trình của từng cấp học, sử dụng thời lượng tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành để tổ chức dạy học trong các cơ sở giáo dục.
Việc học tiếng DTTS được tổ chức theo lớp học quy định tại Điều lệ trường tiểu học, Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên.
Đối với mỗi tiếng DTTS, nếu tất cả người học trong lớp có nguyện vọng học thì tổ chức lớp học tiếng DTTS theo lớp học đó; trường hợp trong lớp học chỉ có một số người có nguyện vọng học thì tổ chức lớp học tiếng DTTS riêng và có thể ghép chung với lớp khác nếu chưa đủ sĩ số. Số lượng người học tối thiểu của một lớp là 10 người.
Việc giáo viên dạy tiếng DTTS cũng được đào tạo ngành, chuyên ngành sư phạm về tiếng DTTS tại các cơ sở giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên chuẩn bị đầy đủ các điều kiện mở ngành đào tạo giáo viên dạy tiếng DTTS đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng DTTS tổ chức biên soạn tài liệu bồi dưỡng trên cơ sở Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng DTTS do Bộ GD&ĐT ban hành. Việc bồi dưỡng giáo viên dạy học tiếng DTTS thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Hiện tại, cả nước có 6 tiếng DTTS được tổ chức dạy học chính thức trong trường học, gồm: Tiếng Mông, tiếng Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Chăm và tiếng Khmer tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hằng năm, có khoảng 600 trường học với 4.500 lớp học và hơn 110.000 học sinh được học tiếng DTTS.
Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ có thêm nguồn lực cho việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết các DTTS. Theo đó, Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch có nội dung: Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một (các hình thức sinh hoạt văn hóa, tiếng nói, chữ viết và các giá trị văn hóa khác)...
Đây là cơ sở để chúng ta chung tay giúp đồng bào dân tộc thiểu số phục dựng, giữ gìn hồn cốt của dân tộc mình.
Bạch Hân, Văn Bắc, Thu Hằng, Thục Anh