Vị Thủ tướng gần dân
Với mục tiêu "xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân", dưới sự điều hành của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thành công được coi là ấn tượng nhất của Chính phủ trong suốt 5 năm qua, đó là 3 điểm nhấn quan trọng: Tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, cải cách hành chính; quản lý kinh tế vĩ mô; khống chế và kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19.
Tiếp nối nhiệm kỳ của các Thủ tướng khát khao cải cách và hành động |
Đúng như nhận xét của GS Lê Đăng Doanh, “người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ qua đã có một cách tiếp cận rất mới”. Có một thống kê cho thấy, nhiệm kỳ qua, lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng xuống biển”. Thực sự ông Nguyễn Xuân Phúc là vị Thủ tướng năng nổ, chịu khó và sâu sát.
Ông có một cường độ làm việc rất cao, để lại dấu ấn mạnh mẽ và những bài học kinh nghiệm trong việc tiếp cận thực tế, giải quyết một cách thiết thực những vấn đề cuộc sống đề ra.
Đặc biệt, ông đã rất lắng nghe các ý kiến từ các chuyên gia, các nhà khoa học, từ công luận, báo chí...
Cá nhân tôi là người làm báo lâu năm và dù nghỉ hưu đã lâu, thế nhưng khi thấy tôi nhắn tin đến ông, mong người đứng đầu Chính phủ lưu tâm cho kiểm tra một vấn đề nào đó đang nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm, ông đều có hồi âm. Nhiều khi, dù đã rất khuya, ông nhắn tin hồi báo cho tôi rất cẩn thận kiểu như “Tôi đã cho kiểm tra ngay việc chú nêu (cách gọi tình cảm của ông với lớp đàn em chúng tôi) và đã có ý kiến để họ lưu ý...”.
Cứ nhìn vào các chuyến đi công tác dưới cơ sở trong 5 năm vừa qua, chúng ta đủ hiểu cường độ làm việc cao đến độ nào của ông. Khi thì nửa đêm ông đến chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội để kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, rồi lại đi tiếp ra thẳng cánh đồng ngoại thành tìm hiểu thêm. Khi thì ông lội bùn đến với bà con vùng bão lũ để chia sẻ khó khăn và chỉ đạo hướng xử lý... Qua đó, Chính phủ và Thủ tướng có cách chỉ đạo cơ sở sâu sát hơn đến vấn đề thuộc về dân sinh.
Thêm một vị “thuyền trưởng” quyết đoán
Người kế nhiệm cương vị Thủ tướng nhiệm kỳ này là ông Phạm Minh Chính, người từng đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ Công an...
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính thăm một số gia đình tại thôn Phình Hồ, xã Bắc Sơn, Móng Cái tháng 1/2012 |
Với những cương vị đảm trách trong khoảng chục năm qua, ông đã tỏ rõ là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa và dám nghĩ, dám làm. Về phương pháp làm việc, ông rất bài bản, mạnh mẽ và cũng rất quyết liệt, đôn đốc rốt ráo mọi công việc mỗi khi đưa ra các ý tưởng của mình cho cấp dưới triển khai với tinh thần “việc hôm nay không để ngày mai”.
Có một lần vào năm 2018, khi ngồi trong phòng khách của ông để phỏng vấn, viết bài về công tác tinh giản bộ máy, tôi đã vô tình nghe được cung cách làm việc rốt ráo, khẩn trương, sâu sát của ông. Điều này đã khiến tôi rất bất ngờ vì khi nói chuyện với tôi, ông rất nhẹ nhàng, tinh tế.
Ông hỏi người ở bên kia đầu dây điện thoại rằng, cái đề án mà cậu thực hiện trình lãnh đạo Ban cho ý kiến (ý là Ban Tổ chức Trung ương) kết quả ra sao rồi?
Ở đầu dây bên kia, tôi không hiểu người đó trả lời ra sao nhưng bỗng tôi nhận ra thái độ không bằng lòng của người đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương. Ông nói: Cậu là lãnh đạo Vụ mà sao trình một văn bản cho Phó Ban lâu như vậy mà vẫn chịu yên lặng chờ? Lẽ ra, khi không thấy lãnh đạo hồi âm thì cậu phải gọi điện hoặc lên hỏi trực tiếp vì sao anh chậm trả lời văn bản thế, để còn điều chỉnh. Cậu cần thay đổi cách làm nếu muốn công việc hanh thông, hiệu quả...”.
Thì ra, đó rất có thể là cung cách làm việc sâu sát, khẩn trương và cách đôn đốc cũng rất chặt chẽ ở ông Phạm Minh Chính.
Năm 2014, trong một cuộc tập huấn nội bộ công tác Đảng ở Quảng Ninh do Đảng ủy cơ quan Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triệu tập, tôi có tranh thủ “một công đôi việc” xin gặp Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính để nghe kỹ thêm những suy nghĩ của ông.
Tôi thấy ông khá thoáng khi xử lý công việc, đặc biệt khi làm lãnh đạo ở một tỉnh biên giới rất phức tạp với 1,2 triệu dân khi ấy. Quảng Ninh là tỉnh duy nhất có cả biên giới đất liền lẫn biển với Trung Quốc.
Tôi cũng thấy rất thú vị khi nghe ông nêu những cách nghĩ, cách làm của ông có liên quan tới đời sống người dân vùng biên, cả trên đất liền lẫn hải đảo.
Đường biên giới Quảng Ninh giáp với Trung Quốc khá dài. Ông quan niệm: "Bảo vệ biên giới không có nghĩa là không giao lưu, không quan hệ. Ở một tỉnh giáp biên, khi hai bên chỉ cách nhau có một con suối nhỏ, nếu trong quá trình giao lưu, làm ăn thì việc xử lý những khúc mắc nảy sinh ở biên giới cũng không nên quá cứng nhắc. Chúng ta cần mềm dẻo, kiên trì vận động, hết sức tránh va chạm để giữ gìn đoàn kết, hữu nghị. Chỉ có vậy thì dân mình mới làm ăn tốt được”.
Khi thâm nhập nắm tình hình địa phương, ông Phạm Minh Chính đã thấy những hạn chế khiến Quảng Ninh khó giàu lên cho dù tài nguyên có vẻ giàu có, cảnh đẹp thiên nhiên khó ai bì.
Từ đó, ông đã chủ động đề xuất chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu sang xanh”, tức là khoáng sản than dù có là ưu thế của tỉnh thì cũng nên nghĩ các kế sách khác khai thác để cùng làm giàu thì mới bền vững.
Trong công tác xây dựng tổ chức Đảng, mô hình Quảng Ninh luôn là điểm sáng để các tỉnh học tập khi tinh giản bộ máy hành chính và hệ thống chính trị nói chung.
Cách làm này vừa gọn nhẹ lại vừa hiệu quả, hiệu suất công tác tốt hơn mà lại bớt chi ngân sách khá nhiều. Điển hình của “hiện tượng Quảng Ninh” về tinh gọn bộ máy đã và đang được triển khai rộng hơn trong phạm vi cả nước và đã tỏ rõ tính tích cực của nó. Đây chính là điều không thể phủ nhận khi ông được giao trọng trách Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng và nó tiếp tục được nhân rộng ra tại nhiều tỉnh, thành, bộ, ngành...
Điểm chung nhất của tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng và tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đó là các ông đều cùng có một khát vọng cải cách thể chế mạnh mẽ và luôn mong muốn hành động, sáng tạo vì sự phát triển phồn vinh, sự trường tồn của đất nước. Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân!
Quốc Phong
Kỳ vọng nơi Chính phủ mới
Tân Thủ tướng đã được Quốc hội bầu ra. Chặng đường 5 năm tới của Chính phủ phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu.
Tân Bộ trưởng Ngoại giao: Nếu có thực lực, tiếng chuông sẽ to
Đất nước ta đang có vị thế, cơ đồ, tiềm lực chưa bao giờ được như ngày nay - Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ với báo giới hôm nay.