Tại Đan Mạch, cộng đồng người Việt Nam hiện có hơn 16.000 người, được chính quyền đánh giá cao về những đóng góp vào việc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.

Bên cạnh đó, bà con kiều bào luôn đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau, vừa duy trì được bản sắc, văn hoá Việt, vừa giới thiệu văn hoá và tinh thần Việt Nam đến bạn bè Đan Mạch, làm cầu nối hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc.

Với sự nỗ lực và phát triển trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Đan Mạch, tháng 11/2023, hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ "Đối tác chiến lược Xanh", với 10 nội dung hợp tác có tính chất bao trùm, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của mỗi quốc gia và mở ra nhiều cơ hội, tiềm năng hợp tác trong tương lai. Đây cũng là dấu mốc quan trọng với bà con kiều bào tại Đan Mạch.

Nhiều năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở Đan Mạch luôn hướng về quê hương, gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc, trong đó có tiếng Việt. Nhiều tổ chức, cá nhân đã không quản ngại khó khăn, tổ chức các hoạt động văn hóa, các lớp dạy và học tiếng Việt, thông qua nhiều hình thức phong phú như lễ hội Trung thu, các buổi sinh hoạt dã ngoại, đọc sách, kể chuyện cho thiếu nhi bằng tiếng Việt.

Mỗi dịp Tết, lễ hội truyền thống, cho dù ở bất kỳ nơi đâu, trong bất cứ cương vị, hoàn cảnh nào, cộng đồng kiều bào lại đoàn tụ, hướng về gia đình, quê hương. Những bạn trẻ, những em bé Việt Nam thế hệ thứ hai, thứ ba được sinh ra và lớn lên tại Đan Mạch mặc bộ trang phục dân tộc, say sưa thưởng thức những món ăn cổ truyền ngày Tết như bánh chưng, nem rán….

Ngày 04/05/2024, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở Đan Mạch diễn ra lễ khai giảng lớp học tiếng Việt dành cho con em cộng đồng người Việt Nam tại Thủ đô Copenhagen. Đây là lớp học tiếng Việt đầu tiên được tổ chức tại Đại sứ quán, với gần 20 học sinh từ 7 - 15 tuổi, là con cháu của người Việt Nam, được sinh ra và lớn lên tại Đan Mạch. 

Các bậc phụ huynh và thầy cô cùng các con rất xúc động khi nghe giai điệu và ca từ ý nghĩa của ca khúc Thương ca tiếng Việt: "Tiếng Việt còn trong mỗi người. Hồn Việt mình còn nguyên vẹn tròn". Thông qua lớp học, cùng với sự quan tâm của mỗi gia đình, các con có thể giữ được tiếng Việt, hiểu hơn về văn hóa, truyền thống của dân tộc mình.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch Lương Thanh Nghị đánh giá cao nỗ lực của ban tổ chức, các thầy cô giáo và phụ huynh để có thể tổ chức lớp học này cho các con.

Đại sứ cho rằng, đây là một hoạt động rất ý nghĩa, giúp các cháu không những giữ được ngôn ngữ mẹ đẻ mà còn hiểu thêm truyền thống, văn hóa cũng như lịch sử dân tộc, tăng cường tình thân trong gia đình, phát triển bản thân cũng như giữ được mối liên kết cộng đồng. Ông mong các bậc phụ huynh quan tâm, đặc biệt là tạo môi trường tiếng Việt tại chính gia đình mình để các cháu được thực hành tiếng Việt hằng ngày.

Đại sứ cũng đề nghị các thầy cô dành thời gian, công sức để truyền đạt một cách dễ hiểu, dễ nhớ, qua đó giới thiệu được văn hóa lịch sử dân tộc và ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ; mong muốn sau khi trưởng thành, các cháu có thể đóng góp cho xã hội sở tại và hướng về quê hương đất nước.

ảnh 3.jpg
Các em nhỏ thế hệ thứ 2, thứ 3 được gia đình đưa đến lớp học với mong muốn giữ gìn tiếng mẹ đẻ. 

Tại buổi lễ, Đại sứ Lương Thanh Nghị cho biết thêm, Nhà nước Việt Nam coi việc dạy và học tiếng Việt là một trong những trọng tâm của công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Kể từ năm 2023, nhằm khuyến khích việc dạy và học, gìn giữ tiếng Việt, ngày 8/9 hằng năm được chọn là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoài ra, hằng năm, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức trại hè dành cho thanh niên kiều bào, cũng như tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên dạy tiếng Việt tại nước ngoài.

Ông Lê Thanh Hùng, đại diện cho ban tổ chức lớp học và phụ huynh học sinh chia sẻ, sinh sống và làm việc tại Đan Mạch nhiều năm nhưng bà con kiều bào luôn gìn giữ được phẩm chất của người Việt, hồn cốt của dân tộc và mong mỏi cho con em được học tiếng Việt, tiếp nối những giá trị nhân văn, lan tỏa bản sắc Việt ra thế giới. 

Quỳnh Nga