Không phải 100% mục tiêu ASEAN đặt ra đều đã đạt được. Nhưng giờ đây, các nhà lãnh đạo ASEAN đã có tầm nhìn sau 2015 gắn với nhiều đòi hỏi mới về liên kết, về sáng tạo, về phát triển và về vai trò của nhóm.

Mời quí vị xem video tại đây:

LTS: Thưa quí độc giả, năm 2003, tại Bali, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II (ASEAN Concord II) nhất trí đề ra mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với ba trụ cột chính: Cộng đồng chính trị – an ninh ASEAN, Cộng đồng kinh tế ASEAN, và Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN.

Để thích ứng với những chuyển biến quốc tế và khu vực, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đẩy nhanh hoàn thành mục tiêu này sớm hơn dự kiến 5 năm. Ngày 31/12/2015 Cộng đồng ASEAN đã được các nhà lãnh đạo 10 nước cùng nhau ký kết.

Mời quí độc giả cùng chúng tôi nhìn lại những gì chúng ta đã cùng nhau làm được, những gì chưa làm được và cần phải cải tiến, đề xuất để có thể cùng nhau xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN thực sự hiệu quả cao nhất. Xin giới thiệu các vị khách mời của chúng tôi hôm nay là Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, TS. Đỗ  Đức Định và TS. Võ Trí Thành.

{keywords}
Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan (phải) và TS. Đỗ Đức Định

Nhà báo Hoàng Hường: Nhìn lại nửa thế kỷ hình thành và phát triển ASEAN, theo các vị đâu là những dấu ấn quan trọng nhất?

Ông Vũ Khoan: Từ ngày ra đời (8/8/1967), ASEAN đã trải qua ba giai đoạn:

Từ năm 1960 đến những năm 1990 là giai đoạn hình thành. Trong giai đoạn này, ASEAN có 5 nước Đông Nam Á. Lúc đó tình hình nội bộ các nước cũng chưa được suôn sẻ hoặc đang khủng hoảng. Đồng thời, bên ngoài thì diễn ra cuộc chiến tranh Đông Dương. Khu vực Đông Nam Á đứng trước sự đe doạ nghiêm trọng với sự tranh chấp của các nước lớn, bắt buộc phải tìm cách gắn kết với nhau để tự vệ.

Không phải ngẫu nhiên mà ý tưởng một khu vực trung lập Đông Nam Á được đưa ra vào năm 1971. Và tới năm 1976, lần đầu tiên Hợp tác Hữu nghị được ký kết hình thành một tổ chức Đông Nam Á.

Giai đoạn thứ hai, kéo dài từ đầu những năm 1990 đến cuối thập kỷ này, tạm gọi là giai đoạn Nâng cao và Mở rộng. Trong giai đoạn này, ASEAN kết nạp thêm 4 nước: Việt Nam (1995), Myanmar và Lào (1997), Campuchia (1998) hình thành khối ASEAN gồm 10 nước Đông Nam Á. Giai đoạn này cũng bắt đầu xuất hiện cơ chế đối thoại hợp tác với các nước lớn trên thế giới, bao gồm Liên minh Châu Âu.

Trước đó phần hợp tác trong ASEAN khá mờ nhạt. Trong giai đoạn 2 này, ý tưởng về một khu thương mại tự do AFTA được đưa ra, được thể hiện trong hiệp ước thuế quan chung, mở ra giai đoạn tự do hoá quan hệ thương mại trong khu vực, phù hợp với xu thế toàn cầu hoá lúc bấy giờ.

Bên cạnh các hợp tác kinh tế, hợp tác an ninh cũng tăng lên, thể hiện qua việc ra đời của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) năm 1993. Cũng trong giai đoạn này, hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân được ký kết, và lần đầu tiên ASEAN ra Tuyên bố Biển Đông tại Manila năm 1992. ASEAN đã mở rộng và nâng cao trên mọi mặt.

Giai đoạn thứ ba từ cuối những năm 1990 đến năm 2015 là giai đoạn đề xuất ý tưởng và chuẩn bị ra đời Cộng đồng ASEAN, đưa hợp tác ASEAN lên tầm cao mới. Trong giai đoạn này, ASEAN đưa ra Tầm nhìn đến năm 2020 và Tuyên bố hoà hợp ASEAN (Bali 2) và Tuyên bố Hà Nội đã góp phần vạch ra con đường cho Cộng đồng ASEAN ba trụ cột.

Đây là ba giai đoạn quan trọng chúng ta đã qua. Từ 2015 trở đi ASEAN đang ở giai đoạn mới, giai đoạn thứ tư.

TS Đỗ Đức Định: Khi mới thành lập, một trong những mục tiêu của ASEAN ban đầu định thành lập khối SITO, giống như NATO của phương Tây.

Từ năm 1967 trở đi, sự đối lập ấy giảm dần và tiến tới hợp tác. Đấy là một thành tựu lớn. Sự hợp tác an ninh có tác động rất lớn đến hợp tác kinh tế như khu vực thương mại tự do, hàng rào thuế quan giảm…

TS Võ Trí Thành: Tuy vẫn còn nhiều bất đồng, vẫn còn khiếm khuyết và vẫn còn tranh cãi, nhưng ASEAN vẫn cần tiếp tục phải cải thiện.

Từ khi thành lập, không phải 100% mục tiêu kinh tế mà cộng đồng ASEAN đã đặt ra đều đã đạt được. Làm sao trong một thời gian ngắn, 1 – 2 năm sau thời điểm 2015, ASEAN phải đạt được những mục tiêu đã được đặt ra. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã có tầm nhìn sau 2015 gắn với nhiều đòi hỏi mới về liên kết, về sáng tạo, về phát triển và về vai trò của nhóm.

Đến thời điểm này, ASEAN có những đáng ghi nhận nhất đó là: ASEAN đã nhận ra chỉ có liên kết mới giữ được hoà bình, ổn định, phát triển ở khu vực. Dù muốn hay không, các nước ngoài khối đã thừa nhận ASEAN là một thực thể quốc tế ở Châu Á – Thái Bình Dương. Dù ít hay nhiều, ASEAN đã thúc đẩy đầu tư thương mại, mặc dù thương mại nội khối của ASEAN không cao và không có tốc độ phát triển nhanh, nhưng vẫn gắn chặt với mạng lưới sản xuất và thương mại toàn cầu.

{keywords}
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan

Nhà báo Hoàng Hường: Như các vị thấy đấy, an ninh luôn là vấn đề trọng tâm trong các diễn đàn của ASEAN. Tại sao vấn đề an ninh khu vực này lại luôn được đặc biệt quan tâm như vậy?

Ông Vũ Khoan: Xu thế hoà bình và hợp tác ở Đông Nam Á đã phát triển rất nhiều so với thời Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên ASEAN vẫn còn rất nhiều mối đe doạ an ninh. Cách tiếp cận của ASEAN là an ninh tổng thể, bao gồm an ninh biên giới lãnh thổ, an ninh kinh tế, vấn đề tội phạm quốc gia, các vấn đề khí hậu và tài nguyên..vv..

Địa chính trị của Đông Nam Á đặc biệt quan trọng khiến các nước lớn chú ý, khu vực này giữ vị trí kiểm soát con đường vận tải biển từ Châu Âu sang Trung Cận Đông, từ Trung Cận Đông tới viễn Đông rồi sang Mỹ. Vị trí này đặc biệt quan trọng và được quan tâm và liên quan đến các nước lớn như Mỹ, Nhật, Trung Quốc… Cả nhân tố bên trong và ngoài ASEAN đều đặt ra những vấn đề phải bảo đảm an ninh khu vực.

Tôi nhấn mạnh lại thế này, khối hợp tác an ninh – chính trị này không giống như NATO, không phải một khối liên kết quân sự, mà đây chỉ là sự liên kết nhằm đối phó với những mối đe doạ an ninh, trên tinh thần tránh xung đột, giải quyết mâu thuẫn bằng các cam kết hoà bình.

Nhà báo Hoàng Hường: Để có thể có tiếng nói chung về an ninh, về kinh tế thì các nước trong nhón cần phải hiểu biết lẫn nhau. Tuy nhiên tôi có cảm giác dường như nội khối ASEAN vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa những hợp tác về văn hoá – xã hội.

TS Đỗ Đức Định: ASEAN đã xác định hợp tác cộng đồng 3 trụ cột. Khía cạnh chính trị - an ninh, kinh tế đã nổi lên, và đó là điều kiện tiên quyết để phát triển. Trong đó văn hoá – xã hội có được đề cập nhưng chưa phát triển mạnh. Trên thực tế, văn hoá – xã hội trong cộng đồng ASEAN có nhiều điểm khác biệt. Thời gian gần đây ASEAN có nhiều hoạt động hợp tác hơn, đặc biệt ở mảng giáo dục. Tuy nhiên độ vênh về tập quán, tín ngưỡng, văn hoá ở các nước vẫn rất lớn. Thêm nữa, đầu tư cho lĩnh vực này vẫn quá ít.

Nhìn sâu xa, văn hoá xã hội đóng vai trò rất lớn trong việc gắn kết và giữ gìn sự bền vững. Nhìn lại những biến động tại Trung Đông và thế giới thời gian vừa qua, ta thấy những vấn đề như văn hoá, chủng tộc, tôn giáo… đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn sự hoà hợp và ổn định, cần đẩy mạnh quan tâm đầu tư.

{keywords}
TS. Võ Trí Thành

Ông Vũ Khoan: Các nước Đông Nam Á có nền văn hoá bản địa, có ngôn ngữ riêng. Bên cạnh đó, khu vực này chịu ảnh hưởng của mấy luồng văn hoá chính: văn hoá Trung Hoa, văn hoá Ấn Độ và văn hoá phương Tây qua các nước thực dân mang vào, thành ra văn hoá ở khu vực này rất đa dạng.

Ngoài ra, đến nay ASEAN có vẻ vẫn giống một tổ chức của quan chức hơn là tổ chức của người dân. Cần phải đặt ra mục tiêu chăm lo vấn đề con người, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng xã hội, vấn đề môi trường, bản sắc văn hoá và trình độ phát triển. Con đường xây dựng cộng đồng văn hoá – xã hội ASEAN vẫn là một con đường dài, khó khăn, đòi hỏi sự kiên nhẫn.

TS Võ Trí Thành: Đúng như ông Vũ Khoan nói, trụ cột văn hoá – xã hội của ASEAN hiện nay vẫn là từ trên xuống (top down) chưa phải từ dưới lên (bottom up).

Điều ASEAN cần làm hiện nay là đẩy mạnh sự tham gia của các tầng lớp khác nhau. Người dân tham gia vào quá trình hoạch định chính sách của ASEAN, tăng cường liên kết, và trên tất cả, người ta phải nhìn thấy lợi ích của chính mình trong việc tham gia đó.

Còn nữa...

Hoàng Hường - Thùy Vân - Minh Hưng