- Một đêm trôi qua ở Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM thật căng thẳng. Tiếng kêu la đau đớn xen giữa tiếng khóc xé lòng và cả những... khoảng lặng của người thân trong giây phút tử biệt sinh ly.
Mỗi ngày tiếp nhận vài trăm ca cấp cứu, dù nhân lực hạn chế (10 bác sĩ) nhưng Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP.HCM Phạm Trí Dũng cho biết, họ luôn dành cho các bệnh nhân nặng, vừa qua đời sự tôn trọng, chăm sóc chu đáo nhất.
Khi bệnh nhân được đưa vào, thấy nguy kịch các bác sĩ đã phải làm công tác tư tưởng cho gia đình. Giải thích rõ về bệnh, độ nguy hiểm, tiên lượng để khi lâm vào tình thế xấu nhất, gia đình không quá sốc.
|
Khi bệnh nhân cấp cứu được đưa vào khu vực này đồng nghĩa tình trạng rất nguy kịch. |
“Lúc bệnh nhân hấp hối, chúng tôi báo cho người nhà vào từ biệt. Dù khoa rất đông, chật chội nhưng chúng tôi vẫn dành cho họ thời khắc riêng tư nhất. Chẳng ai bảo ai nhưng đều thao tác thật nhẹ nhàng”, bác sĩ Dũng chia sẻ.
Khi bệnh nhân qua đời, điều dưỡng sẽ chăm sóc, làm vệ sinh, thay cho họ bộ đồ mới. Hai bàn tay của bệnh nhân được đặt ngay ngắn trên bụng, tư thế nằm thẳng thắn.
“Chẳng ai bắt như vậy, mà anh em tự làm theo phong tục. Chúng tôi cố gắng để bệnh nhân ra đi trong tư thế đàng hoàng, chỉn chu nhất”, bác sĩ Dũng nói.
Người phụ nữ này đang hấp hối, chồng và con trai vào nhìn mặt lần cuối. Người chồng chân đứng không vững, rút điện thoại báo tin buồn về nhà. |
Nữ điều dưỡng tên Mai trải lòng: “Làm việc tại đây, em đã cầm tấm khăn trắng phủ lên không ít bệnh nhân, nhưng chẳng lần nào lòng không nặng trĩu.
Gương mặt đó, mới đây còn hơi thở, có thể là đứa con hay người mẹ, người chồng hoặc ông bà... Phủ khăn trắng, đồng nghĩa cuộc sống đã chấm hết”.
Em bé này bị TNGT, bác sĩ cho biết không còn cơ hội sống bởi não bị chấn thương quá nặng, hôn mê sâu. |
Mẹ cậu bé ôm chầm lấy gương mặt con trai, xót xa khóc. Chỉ phút chốc nữa thôi, có thể mẹ con họ sẽ chia ly mãi mãi. |
Vợ trân người khóc lặng bên chồng bị TNGT nghiêm trọng. |
Ranh giới giữa sống và chết quá mong manh. |
Hai nhân viên y tế cầm tấm vải trắng trùm lên người bệnh đã tử vong... |
... và được đẩy đi khỏi khu hồi sức, chuyển tới nhà đại thể. |
Một chiếc băng ca khác sẽ được đặt thế vào, sẵn sàng đón bệnh nhân mới. |
Một bệnh nhân đã qua đời nhẹ nhàng được chuyển đi. |
Các bệnh nhân qua đời, theo nguyện vọng gia đình đưa về nhà, sẽ được bệnh viện tạo điều kiện, hỗ trợ xe. Tuy nhiên, với những trường hợp tử vong vì TNGT, thì phải lưu lại nhà xác để hoàn tất quá trình điều tra.
Với những trường hợp như vậy, đôi khi gia đình không đồng ý, phản ứng rất quyết liệt. Thấu hiểu sự mất mát người thân quá lớn lao, các bác sĩ khoa cấp cứu lại phải giải thích, động viên để có thể hỗ trợ gia đình một cách tốt nhất.
Thanh Huyền - Đinh Tuấn