Trailer phim ‘Tiếng gọi nơi hoang dã’:

Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng của nhà văn Jack London, ‘Tiếng gọi nơi hoang dã’ là câu chuyện về chú chó Buck trong chuyến hành trình đầy cam go sau khi bị bắt phải rời khỏi cuộc sống êm ấm trong khu nhà rộng lớn của ngài thẩm phán Miller, tới vùng Alaska đầy lạnh giá và thử thách. Bản năng của Buck trong môi trường hoang dã bị đánh thức, giúp nó có thể chống chọi với vô vàn khó khăn trong chuyến phiêu lưu.

Spitz là chú chó được khắc hoạ trong phim rõ nhất sau Buck, tuy không có vẻ ngoài đáng sợ và cái lưỡi ‘đỏ như máu’ lúc nào cũng toan xé toạc con mồi như trong tiểu thuyết miêu tả, Spitz trên màn ảnh rộng vẫn là con chó kiêu ngạo luôn bảo vệ vị trí thủ lĩnh của mình, và đối thủ đáng gờm nhất là Buck. Spitz không hành động hung hãn độc ác như trong tiểu thuyết, đổi lại, kết cục của nó cũng không thảm khốc như trong tiểu thuyết.

Được dán mác P (tức phim dành cho mọi độ tuổi), ‘Tiếng gọi nơi hoang dã’ tuy vẫn giữ được tinh thần cơ bản và có cách diễn tả sáng tạo về sự thôi thúc bản năng nguyên thuỷ trong Buck, tuy nhiên chưa thể kể lại hết sự khắc nghiệt và những cuộc đấu tranh đẫm máu để sinh tồn.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi tiểu thuyết ‘Tiếng gọi nơi hoang dã’, với nhiều phân đoạn bạo lực, ám ảnh, ngược đãi động vật..., chưa bao giờ là quyển tiểu thuyết dành cho mọi lứa tuổi.

{keywords}
Chó Buck là sản phẩm của kỹ xảo.

Phần nhiều thời lượng phim xoay quanh đoàn chó kéo xe đưa thư của Francois (Cara Gee thủ vai) và Perrault (Omar Sy thủ vai). Số lượng các chú chó trong cảnh phim (chỉ gói gọn tầm chục con) cũng giới hạn hơn nhiều so với trong tiểu thuyết (có khi lên đến 50 – 60 con).

Ngoài Spitz, những chú chó kéo xe khác không có mối quan hệ căng thẳng với Buck, không có Dave - con chó ở vị trí kéo sát xe đã nhiều kinh nghiệm trong vai trò này, nhưng luôn đớp vào hông Buck mỗi khi nó phạm sai lầm.

Phân cảnh Buck học kéo xe trên tuyết trong phim là một phân cảnh dễ thương tạo tiếng cười, không phải là thứ kinh nghiệm phải đổi bằng những vết thương và sự khó chịu của người đồng đội bên cạnh.

{keywords}
Francois, Perrault - Hai vai phụ làm bộ phim trở nên ấm áp trên những con đường tuyết.

Francois trong phim không phải là một người chỉ biết điều khiển đoàn xe bằng roi da, Perrault cũng không phải chỉ yêu quý Buck vì nó kéo xe giỏi. Sự khác biệt này so với tiểu thuyết khiến bộ phim ấm áp tình người hơn giữa vùng Alaska lạnh giá.

Cái chết đẫm máu, thê thảm và đáng sợ của Curly – cô chó thân thiện ngây thơ, Dolly – lính mới không may bị đàn sói hoang tấn công, hay Dub – kẻ ưa ăn cắp vặt nhưng siêng năng trong công việc, đã được lược bỏ khỏi phim để tác phẩm có thể phù hợp với mọi lứa tuổi.

Tuy nhiên đối với những người đã từng đọc qua tiểu thuyết, việc loại bỏ qua những chi tiết này tức là đã bỏ qua những bài học sinh tồn đắt giá trong đời Buck, khi chỉ cần hành động sơ sẩy là tính mạng lập tức bị đe doạ.

Việc không có chú chó nào trong đoàn gặp phải trở ngại về thể lực một cách trầm trọng, không có những cuộc chiến với những vết thương rách toạc từ mắt đến hàm, khiến phiên bản điện ảnh của ‘Tiếng gọi nơi hoang dã’ bị giảm giá trị thực tế đi ít nhiều, cuộc sống của Buck vì thế cũng không còn khó khăn khắc nghiệt ở mức như trong tiểu thuyết.

{keywords}
Harrison Ford thủ vai nhân vật John Thornton.

Nhân vật John Thornton (Harrison Ford thủ vai) – mối dây cuối cùng ràng buộc Buck với con người - là một điểm sáng trong phim. Khác hẳn với nhân vật bước ra từ tiểu thuyết, Thornton là một nhà độc hành có câu chuyện buồn về đứa con đã mất, không mộng tưởng về kho vàng ở Bắc Cực và thực sự xem Buck là một người bạn.

Thornton ở phim tạo được bước ngoặt tình cảm đặc biệt ấm áp và nhiều cảm xúc đối với Buck, khi Buck là người bạn độc nhất của ông ở vùng băng tuyết lạnh giá (khác với trong tiểu thuyết, Thornton có bạn đồng hành và Buck không phải là con chó duy nhất họ mang theo).

Cái kết trên phim không dữ dội như trong tiểu thuyết, khi Buck điên cuồng trừng trị những kẻ sát nhân bộ tộc Yeehats. Nó là một phiên bản tình người hơn, lắng đọng hơn.

Tuy nhiên vì lựa chọn phiên bản tình người cho hợp với nhãn P, 'Tiếng gọi nơi hoang dã' vô tình đánh mất đoạn cao trào trở về bản năng nguyên thuỷ của Buck sau khi mối dây rằng buộc duy nhất giữa nó và con người mất đi.

Việc lạm dụng chỉnh sửa biểu cảm và hành động của Buck bằng máy tính cũng là một điểm trừ. Nhất là trong phân đoạn mở đầu, công nghệ chỉnh sửa khiến Buck trở nên lạc lõng giữa cảnh vật rất thật xung quanh.

{keywords}
Chú chó Buck trong phim Tiếng gọi nơi hoang dã.

Đối với những ai chưa đọc tiểu thuyết, ‘Tiếng gọi nơi hoang dã’ là một bộ phim đáng xem với những tiếng cười và nhiều bài học được rút ra về sự trưởng thành trong cuộc sống, về bản ngã ban đầu của mỗi sinh vật, về những kho báu mà lòng tham không thể chạm tới.

Tuy nhiên đối với những ai đã đọc qua tiểu thuyết, có vẻ phải chờ một phiên bản chuyển thể khác, có giới hạn độ tuổi xem phim nhất định, để nhà làm phim có thể truyền tải tốt hơn toàn bộ thông điệp và sự tàn khốc của tiểu thuyết gốc lên màn ảnh rộng.

Thanh Minh

Hollywood bỏ 109 triệu đô đưa 'Tiếng gọi nơi hoang dã' lên màn ảnh

Hollywood bỏ 109 triệu đô đưa 'Tiếng gọi nơi hoang dã' lên màn ảnh

 Hãng Twentieth Century đã quyết định mời ngôi sao tên tuổi Harrison Ford vào vai John Thornton trong phiên bản điện ảnh 2020 với chi phí sản xuất lên tới 109 triệu USD.