Nhà hát kịch Hà Nội đã quyết định làm mới một kịch bản từ hàng chục năm trước của nhà nghiên cứu sân khấu, PGS. Tất Thắng. Đây là kịch bản được ông cảm tác từ truyện ngắn Chùa Đàn.

Chất sang trọng, lịch lãm và chau chuốt của ngôn từ trong truyện ngắn của Nguyễn Tuân khi vào kịch đã được chuyển thành những sự kiện, những tính cách nhân vật… không bình thường xoay quanh một phụ nữ đẹp, thanh tao, thân phận có phần bí ẩn là Thị Tơ. Mở màn, nhân vật này xuất hiện ở ấp Mê Thảo trong tình trạng thương tích khá nặng do bị truy đuổi. Được cưu mang, cô đã đem tới một không khí mê hoặc cho những người đàn ông nơi đây.

Ông chủ đất Mê Thảo mê tài sao tẩm và pha trà, người trợ thủ đắc lực của ông, cây danh cầm Bá Nhỡ thì đắm say tiếng hát ngọt ngào trong những đêm trăng. Nhưng rồi, trong một cuộc thi tài đánh đàn, người đàn ông của Thị Tơ đã tới, được tôn vinh như đệ nhất danh cầm và có được phần thưởng xứng đáng là người vợ mà anh cất công tìm kiếm bấy nay. Mê Thảo vắng bóng Thị Tơ, như hoang hoải, như mất mát, như cô liêu, và mọi bi kịch bắt đầu từ đấy...

{keywords} 

Bà chủ ấp chết trong hoang mang. Ông chủ ấp càng lâm vào tình trạng u uất, thảm sầu, tới độ ngấp nghé của sự chết chóc… Bá Nhỡ để tạ mối thâm tình với chủ, đã quyết đi cùng trời cuối đất để tìm Thị Tơ. Người nghệ sĩ tài hoa này đã gục xuống chết với quyết tâm đánh đàn để cứu ông chủ. Tỉnh dậy trong mất mát, sự cuồng loạn,… ông chủ Mê Thảo đã cho đốt cháy tửu phần của trang ấp trong một cảnh kết tuyệt đẹp.

{keywords} 

Bàn tay dàn dựng tài hoa của đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang đã đem tới một phiên bản sân khấu dễ xem, dễ cảm nhận hơn so với kịch bản giàu tính nghệ thuật nhưng hơi khó tiếp nhận với đông đảo người xem khi khí chất nhân vật luôn có xu hướng cực đoan, hướng nội và những tình thế có phần khác thường, cách biệt với đời thật. Sự thêm vào nhân vật hầu gái như vai hề chèo với những trò diễn khá tốt, hay nhân vật do Công Lý thủ vai… đã làm mềm mại hơn, đời hơn cho những cảnh diễn quyết liệt. Tuyến nhân vật chính như vai ông chủ do NSUT Trung Hiếu đảm nhiệm, bà chủ của NSUT Thu Hà, Bá Nhỡ (NSND Hoàng Dũng) Thị Tơ (Kiều Thanh)… những ngôi sao sáng của Nhà hát đã hoàn thành rất tốt vai diễn của mình.

Sức diễn, sự nhập vai khiến cho vở diễn giàu tính nghệ thuật, thuyết phục được khán phòng đêm diễn qua những tràng pháo tay hay sự lặng đi vì vẻ đẹp của nghệ thuật diễn xuất. Đặc biệt, đây là vở diễn rất khó cho diễn viên khi thể hiện sự liêu trai, sức ám ảnh khắc khoải của nghệ thuật đàn ca… khi thâm nhập vào tâm trí con người. Khác với diễn cải lương, có sẵn những ca từ, những nghệ sĩ ca kịch, những nhạc công của cổ nhạc… khi làm kịch nói, các nghệ sĩ kịch nói làm sao để thể hiện cho ra khi phải “đớp lời”, “gảy nhạc” thuyết phục người xem.

Trong đêm diễn đầu tiên, chưa có được sự nhuần nhị, ăn khớp, uyển chuyển trong những kỹ thuật này. Còn những lỗi như khi diễn viên khảy đàn đáy lại vang lên tiếng nhạc từ đàn nguyệt hay ngược lại. Rồi chưa khớp miệng giữa lời ca và diễn viên, cũng như ca từ của đoạn đầu chưa có hiệu quả…

Nhưng với cách làm đúng hướng, đầu tư công sức sáng tạo nghệ thuật của đạo diễn và ekip sáng tạo âm nhạc, trang trí mỹ thuật… cũng như một đội ngũ nghệ sĩ nổi tiếng, được đông đảo công chúng yêu nghệ thuật nước nhà “thuộc mặt, nhớ tên” và hâm mộ đã tạo thành một tác phẩm nghệ thuật giàu tính thẩm mỹ, hoành tráng. Tác phẩm đa ngữ nghĩa này đã tới được với nhiều tầng lớp khán giả, để lại những dư âm cũng nông sâu khác nhau nhưng chắc chắn là một tác phẩm nghệ thuật có ấn tượng tốt trong bối cảnh sân khấu đang cần những lực hấp dẫn từ những vở diễn giàu tính khác biệt và đủ độ kích thích với người xem hôm nay.

Ngọc Bảo