Rất may chiều 25/11, Công an quận Hoàn Kiếm thông báo Sở này đã đảm bảo an toàn PCCC sau khi khắc phục các tồn tại.
Sự mạnh tay của Công an quận Hoàn Kiếm với thông báo “đình chỉ hoạt động” chắc chắn là nhân tố tạo ra sự thay đổi này.
Chuyện của Sở Nội vụ cũng chỉ là một trong số nhiều trường hợp bị lực lượng kiểm tra an toàn PCCC tiến hành đình chỉ hoạt động.
Những ngày này, đi trên các tuyến phố Hà Nội như Vũ Tông Phan, Hồ Đắc Di… người đi đường dễ dàng nhận ra các bảng thông báo đỏ chót đặt ở các quán karaoke với nội dung “Cơ sở không đủ điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy… đề nghị người dân không sử dụng dịch vụ”.
Đó là những quyết định cần thiết sau các vụ cháy quán karaoke với nhiều tổn thất tang thương.
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội hồi cuối tháng 10 cho biết, trong khoảng một năm gần đây có tới 11 vụ cháy vũ trường, bar, karaoke là nơi tập trung đông người.
Tính trên toàn quốc, trong khoảng thời gian kể trên, đã xảy ra 1.748 vụ cháy, làm chết 105 người, thiệt hại khoảng 1.033 tỷ đồng.
Người dân không thể quên những vụ cháy đầy ám ảnh. Đó là vụ cháy quán Karaoke ISIS ngày 01/8/2022, tại phố Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội làm 3 Cảnh sát PCCC hy sinh khi làm nhiệm vụ; vụ cháy nhà ngày 21/4/2022 tại phường Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội khiến 5 người tử vong; đặc biệt là thảm họa cháy quán karaoke An Phú ngày 06/9/2022, tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương làm chết 32 người.
Bất cứ mất mát nào về sinh mạng vì cháy cũng để lại bao đau thương cho những người ở lại. Trong khi đó, cả nước có tới hơn 1,08 triệu cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy.
Sự kiện công an quận Hoàn Kiếm ra quyết định đình chỉ hoạt động của toà nhà Sở Nội vụ Hà Nội như một lời chuông tiếp theo cảnh báo về công tác PCCC không chỉ ở Thủ đô.