Phòng cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An vừa cho biết đã nhận được đơn trình báo của một nữ giáo viên 40 tuổi tại huyện Diễn Châu (Nghệ An) bị kẻ xấu lừa đảo, chiếm đoạt 1 tỉ đồng trong tài khoản ngân hàng.

{keywords}
Phần mềm gián điệp với hình ảnh hiển thị là hình hiệu công an nạn nhân được hướng dẫn cài đặt về điện thoại (ảnh CA cung cấp).

Theo trình báo, chị nhận được một cuộc gọi điện thoại thông báo có bưu phẩm đã lâu không nhận. Sau đó nhân viên bưu điện yêu cầu chị cung cấp số chứng minh thư nhân dân (CMND), họ tên để tra cứu rồi thông báo chị có vướng mắc về vấn đề pháp lý với công ty bảo hiểm hoặc ngân hàng.

Chị thắc mắc thì được hướng dẫn kết nối với đường dây nóng của Bộ Công an để giải đáp. Nữ giáo viên này hốt hoảng khi một người xưng "cán bộ điều tra Bộ Công an" thông báo qua công tác điều tra phát hiện bọn tội phạm buôn ma túy và rửa tiền đang sử dụng CMND của chị để lập tài khoản ngân hàng và dùng tài khoản đó vào mục đích phạm tội. Công an đã có bằng chứng việc chị nhận tiền của bọn tội phạm, sẽ bắt giữ chị để phục vụ điều tra.

Mặc dù khẳng định không nhận khoản tiền nào cả nhưng khi được gửi một trang Web có biểu tượng logo Bộ Công an và yêu cầu truy cập, chị răm rắp làm theo. Khi truy cập vào mục "Công văn tòa án" theo hướng dẫn, chị được cung cấp 1 mã hồ sơ vụ án và yêu cầu nhập mã này cùng số CMND để nhận văn bản pháp lý liên quan.

Nữ giáo viên này hoảng hốt khi "Lệnh bắt khẩn cấp" hiện ra với đầy đủ thông tin cá nhân của mình. Không còn giữ được bình tĩnh, chị răm rắp khai báo toàn bộ tài sản bao gồm các tài khoản ngân hàng, tài khoản tiết kiệm, tiền mặt, vàng bạc… để phục vụ công tác điều tra. Chỉ đến khi toàn bộ số tiền tích góp 10 năm trời bốc hơi khỏi tài khoản, nữ giáo viên này mới tá hỏa biết mình bị lừa.

Đây chỉ là một trong số hàng trăm vụ lừa đảo được người dân trình báo từ đầu năm 2020.

Trước đó, ngày 14/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, một người phụ nữ ở quận Hoàn Kiếm đã đến trình báo bị lừa 13 tỷ đồng sau khi nhận cuộc điện thoại từ một người tự xưng là nhân viên cơ quan tư pháp. Người này thông báo đang điều tra về vụ án lớn, liên quan đến nhiều người, trong đó có chị.

Quá sợ hãi, chị Giang (đã đổi tên) đã răm rắp làm theo các yêu cầu của đối tượng như lập tài khoản ngân hàng mới, chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm 13 tỷ đồng sang tài khoản mới để cơ quan chức năng "bảo vệ tài sản" cho gia đình chị. Sau đó, đối tượng yêu cầu chị cung cấp mã OTP để phong tỏa tài khoản trên. Tin lời, chị làm theo yêu cầu của chúng mà không chút do dự, nghi ngờ.

Sau khi chuyển mã OTP tài khoản, chỉ trong ít phút, số tiền 13 tỷ đồng trong 2 tài khoản mới đã bị rút hết. Lúc này, chị mới biết bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Tổng hợp từ Bộ Công an cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã tiếp nhận trình báo và đơn tố giác tội phạm của 776 vụ với số tiền lừa đảo lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó, phần lớn các thủ đoạn trên là giả danh công an, viện kiểm sát, thanh tra, tòa án, bưu điện…

Các vụ lừa đảo này tập trung nhiều nhất tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Có người còn bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 20 tỷ đồng.

Về thủ đoạn lừa đảo, theo Trung tá Hà Huy Đức - Đội trưởng Đội cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài (Đội 6, Phòng cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An): Như vụ việc cô giáo bị lừa 1 tỷ đồng trên không khác những vụ lừa đảo công nghệ cao trước đây nhưng thủ đoạn tinh vi hơn. Các đối tượng đã dựng kịch bản lừa đảo rất kín kẽ, sử dụng triệt để các kỹ thuật công nghệ cao như sử dụng giao thức kết nối Internet (VoIP) để giả các số điện thoại của cơ quan công an gọi cho nạn nhân; lập trang web giả mạo trang thông tin điện tử của Bộ Công an để gửi lệnh bắt cho nạn nhân; yêu cầu nạn nhân cài đặt phần mềm gián điệp trên điện thoại của họ để đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng và nhiều thông tin khác sau đó chiếm đoạt tiền có trong tài khoản.

{keywords}
Các đối tượng đã dựng kịch bản lừa đảo rất kín kẽ, sử dụng triệt để các kỹ thuật công nghệ cao (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, theo Thiếu tá Triệu Mạnh Tùng, Trưởng phòng 6 Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), một thủ đoạn nữa là các đối tượng thường yêu cầu bị hại tự mở các tài khoản mang tên mình ở ngân hàng nhưng lại đăng ký dịch vụ internet banking và nhận mã OTP bằng số điện thoại do đối tượng cung cấp. Chính vì thế, khi bị hại mở tài khoản và chuyển tiền vào tài khoản đứng tên mình ở ngân hàng thì rất yên tâm. Tuy nhiên, ngay sau đó thì các khoản tiền này đã bị chuyển đi nơi khác bằng việc các đối tượng sử dụng dịch vụ internet banking với số điện thoại nhận OTP chúng cung cấp cho các bị hại.

Mặc dù nhiều bị hại không có khuất tất, không có sai phạm, nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục của các đối tượng đã dẫn đến lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết sự việc bị lừa đảo. Các bị hại đa phần thường là phụ nữ và người trên 60 tuổi, nhưng cá biệt có người là cán bộ của các cơ quan Nhà nước... Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng, không biết tại sao bị mất tiền, hoặc lo sợ bị mất uy tín nên không trình báo với cơ quan công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Do đó, Bộ công an khuyến cáo, người dân nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Nếu có hiện tượng trên, đề nghị trình báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự (C02) để được hướng dẫn kịp thời.

(Theo Dân Trí)