- "Ban giám hiệu cũng biết điểm yếu của mình khi họ làm sai. Tuy nhiên, họ chỉ sợ khi lãnh đạo của họ kiểm tra. Lãnh đạo của họ cũng chỉ xử lý, rút kinh nghiệm khi những vụ việc được công khai trên mặt báo, cách xử lý mang tính chất đối phó hơn là răn đe. Lạm thu vì thế cứ hết năm này đến năm khác"- chia sẻ của một phụ huynh có con học lớp 6 Trường THCS Lộc Vượng, TP Nam Định.

Sau phản ánh của VietNamNet, ngày 04/09/2015 nhà trường đã cho họp lại phụ huynh theo từng lớp, gửi cho từng phụ huynh học sinh thông báo các khoản thu năm học 2015-2016 do hiệu trưởng Vũ Đình Lư ký.

{keywords}

Ảnh: Pháp luật TPHCM.

So với thông báo các khoản thu trong lần họp trước thì nhiều khoản thu đã không còn được liệt kê như răng mắt, trồng cây xanh, đề thi giấy thi, kế hoạch nhỏ, khuyến học, bảo dưỡng phòng máy, học tăng buổi. Tiền gửi xe từ 15.000đ/tháng thành 10.000đ/tháng. Một số khoản thu như quỹ hội phụ huynh trường, quỹ hội phụ huynh lớp, lắp đặt máy chiếu được chuyển sang hội phụ huynh của lớp bàn bạc và thu.

Như vậy, số tiền mỗi học sinh phải đóng giảm đi so với thông báo trong buổi họp trước hơn 2 triệu đồng.

Đại diện cho nhà trường chỉ có cô giáo chủ nhiệm (nếu có thành phần khác thì không được giới thiệu thành phần) và không có lời xin lỗi từ nhà trường. Cô giáo chủ nhiệm chỉ truyền đạt lại là những khoản thu xã hội hóa do một phụ huynh học sinh khối lớp 6 không đồng ý, phản ánh lên trên nên nhà trường không thu nữa và trả lại cho những phụ huynh đã đóng trong buổi họp lần trước.

Qua sự việc này mới thấy một sự thật đau lòng.

Các nhà trường thường lấy đại diện hội phụ huynh để hợp thức hóa cho các khoản thu của mình khi có các đoàn thanh tra, kiểm tra. Nhà trường mà thực chất là ban giám hiệu có thể nói bất chấp dư luận.

Họ biết rằng với một trường trung học cơ sở cỡ 300 học sinh thì cũng có bấy nhiêu gia đình với đủ các thành phần xã hội, sự hiểu biết và nhận thức khác nhau.

Nếu có hỏi ý kiến trong các cuộc họp thì cũng chỉ là ý kiến cá nhân của một vài phụ huynh học sinh (thiểu số) và cuối cùng vẫn thu theo ý họ. Như vậy, về mặt hình thức là có công khai, dân chủ, có bàn bạc nhưng thực tế thì không thay đổi được nhiều.

Bởi vì đa số phụ huynh không dám phát biểu ý kiến do họ biết không thay đổi được gì mà có thể ảnh hưởng đến con cái họ khi mà các cháu còn chưa có bản lĩnh để đối mặt với nhiều "chiêu trò".

Hơn nữa, bản thân phụ huynh cũng là một xã hội thu nhỏ với nhận thức rất khác nhau, người hiểu biết có và người kém hiểu biết cũng nhiều nhưng lại có một nỗi sợ chung là con, cháu mình sẽ không được đối xử công bằng.

Các nhà trường mà thực chất là ban giám hiệu (các thầy, cô giáo thì cũng chỉ biết làm theo ý kiến lãnh đạo thôi) cũng biết điểm yếu của mình khi họ làm sai. Tuy nhiên, họ chỉ sợ khi lãnh đạo của họ kiểm tra.

Nhưng tôi cảm thấy rằng lãnh đạo của họ cũng chỉ xử lý, rút kinh nghiệm khi những vụ việc được công khai trên mặt báo, cách xử lý mang tính chất đối phó hơn là răn đe. Chính vì vậy mà tình trạng lạm thu đầu năm xảy ra hết năm này đến năm khác.

  • Văn Chung (ghi)