Là công ty sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới, nhưng Intel đang nói về một ý tưởng điên rồ đến mức không tưởng đối với họ: không tự sản xuất chip của mình nữa mà thuê ngoài gia công chip.

Thuê ngoài gia công chip đã trở thành điều bình thường trong ngành công nghiệp chip trị giá 400 tỷ USD ngày nay, nhưng đối với Intel, một công ty có 50 năm tự thiết kế và sản xuất chip riêng của mình, đây lại là điều không bình thường.

CEO Intel, Bob Swan.

"Để trong trường hợp chúng tôi cần sử dụng công nghệ tiến trình của hãng khác và cần đến các kế hoạch dự phòng đó, chúng tôi sẽ được chuẩn bị để làm điều đó." Ông Swan nói với các nhà đầu tư trong buổi báo cáo thu nhập, sau khi cảnh báo về việc phải lùi thời gian ra mắt các chip 7nm thêm 6 tháng nữa. "Điều đó mang lại cho chúng tôi thêm sự lựa chọn và sự linh hoạt. Vì vậy trong tình huống có sự trì hoãn về tiến trình, chúng tôi có thể thử công nghệ của hãng khác, thay vì tự mình làm tất cả mọi thứ."

Ông bổ sung thêm, sự linh hoạt này "không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối."

Kế hoạch thuê ngoài sản xuất chip của Intel có thể bắt đầu từ các GPU 7nm Ponte Vecchio, chip đồ họa đầu tiên của công ty. Dựa trên thiết kế chiplet, GPU này sẽ ra mắt vào cuối năm 2021 hoặc đầu 2022.

Nhà phân tích Matt Ramsay của hãng Cowen&Co cho rằng, theo đuổi phương án này cho thấy một bước chuyển đổi to lớn trong cả ngành công nghiệp chip cũng như sự kết thúc đặc điểm khác biệt của Intel.

Trong khi các thiết kế chip chỉ có thể tác động một phần đến hiệu năng bán dẫn, các tiến trình sản xuất chip mới là nhân tố quan trọng để đảm bảo các chất bán dẫn mới có thể lưu trữ nhiều dữ liệu hơn, xử lý thông tin nhanh hơn và sử dụng ít năng lượng hơn. Kết hợp được cả 2 yếu tố này đã giúp Intel cải thiện hoạt động của mình trong nhiều thập kỷ nay.

Tuy nhiên, hãng TSMC của Đài Loan đã thành công trong việc chỉ tập trung hoàn toàn vào sản xuất chip và gia công thiết kế cho các công ty khác. Các nhà máy của họ không chỉ vượt mặt Intel về tiến trình công nghệ mà còn công suất đầu ra. Chính điều đó đã giúp không chỉ Apple, Qualcomm mà cả AMD, đối thủ hàng đầu của Intel, làm nên các sản phẩm có hiệu năng vượt trội.

Nhà máy Fab 42 dành cho sản xuất chip 7nm của Intel, hình ảnh năm 2017.

Khi các sản phẩm chip 7nm đã trở nên phổ biến đối với smartphone, cũng như bắt đầu xuất hiện trên các CPU của AMD và cả GPU của Nvidia, Intel vẫn đang mắc kẹt trong các sản phẩm 14nm, cũng như mới chỉ có một số CPU 10nm dành cho laptop. Không chỉ vậy, việc trì hoãn các sản phẩm tiến trình 7nm thêm 6 tháng nữa cho thấy lộ trình chip của Intel đã "rạn vỡ".

Sự tụt hậu của Intel trong công nghệ sản xuất chip đã khiến các nhà phân tích và các nhà đầu tư thất vọng và đặt ra vô số câu hỏi đối với CEO Bob Swan về kế hoạch của công ty trong tương lai. Đáp lại các câu hỏi này là câu trả lời rời rạc và mơ hồ của ông Swan về việc sẽ có một sự lựa chọn dự phòng cho việc sản xuất chip bằng công ty ngoài.

Kế hoạch dự phòng này có thể sẽ là chọn TSMC để sản xuất chip của họ. Nhưng điều này sẽ không hề dễ dàng. Nhà phân tích Ramsay cho rằng, các khách hàng khác của TSMC, những người đang cạnh tranh với Intel, nhiều khả năng sẽ phản đối công ty Đài Loan nếu họ ưu tiên thiết kế của Intel. Hơn nữa, TSMC cũng sẽ ngần ngại với khả năng mở rộng thêm năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu từ Intel khi công ty Mỹ hoàn toàn có thể quay trở về các nhà máy của mình.

Theo GenK