Tiến sĩ Việt phủ xanh những cánh rừng ở châu Phi
TS. Vũ Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu Cây đàn hương và Thực vật quý hiếm, được biết đến như là người đầu tiên đưa cây đàn hương từ Ấn Độ về Việt Nam.
Năm 2014, Viện Nghiên cứu Cây đàn hương và Thực vật quý hiếm lần đầu tiên nhân giống thành công loại cây này. Năm 2018, ông Thoại trở thành tiến sĩ người Việt đầu tiên đảm nhiệm công việc chuyên gia cao cấp, hỗ trợ kỹ thuật cho hơn 2.000ha đàn hương tại hai quốc gia châu Phi là Kenya và Uganda.
Chia sẻ với PV.VietNamNet, TS. Vũ Văn Thoại cho biết, sau khi thành công nhân giống cây đàn hương vào năm 2014, từ năm 2018, ông đưa hạt giống sang châu Phi để ươm. Năm 2019 là thời điểm ông hỗ trợ người dân châu Phi trồng cây con trên diện tích lớn.
Kể từ đó đến nay, ông Thoại liên tục đi và về giữa Việt Nam và châu Phi với vai trò là chuyên gia cao cấp.
“Từ việc hướng dẫn người châu Phi làm bầu đất để ươm giống, thời gian đầu, mỗi người chỉ làm được từ 270-300 bầu/ngày. Nhưng khi tôi sang hướng dẫn cách thức thì năng suất lao động tăng lên 600-620 bầu/ngày”, ông Thoại nói.
Kenya và Uganda là hai quốc gia nghèo ở châu Phi, có nhiều cánh rừng bị tàn phá đến mức kiệt quệ. Việc giúp họ tạo ra những cánh rừng mới khiến TS. Thoại cảm thấy vui và tự hào vì đã làm được một việc có ý nghĩa cho mảnh đất này.
“Tôi cảm thấy tự hào khi mình là người Việt Nam trực tiếp đóng góp cho châu Phi những cánh rừng xanh mát. Thông qua đó, hàng nghìn người châu Phi cũng biết đến đất nước và con người Việt Nam. Mình cố gắng khẳng định vị thế của người Việt với tư cách là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó tại lục địa này. Rồi người ta sẽ nhìn nhận người Việt ở nước ngoài là những chuyên gia, chứ không phải là những lao động chân tay”, ông nói.
Theo ông, điều quan trọng hơn cả là thay đổi tư duy cho người dân nơi đây, rằng họ cần phải trồng rừng để có sinh kế lâu dài; để ngăn chặn hạn hán, lũ lụt.
Để có được sinh kế lâu dài, không gì phù hợp hơn là chọn những giống cây có giá trị cao, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người dân bản địa.
“Mình phải bắt tay vào làm thôi. Nếu ai cũng tặc lưỡi tự nhủ 'mình không làm sẽ có người khác làm', như thế biết bao giờ mới phủ xanh được những cánh rừng đã bị tàn phá”, TS. Thoại nói về việc tạo ra những cánh rừng đàn hương ở châu Phi cũng như tại Việt Nam.
Ngoài Kenya và Uganda, dự kiến sắp tới sẽ có thêm dự án trồng cây đàn hương tại Tazania với quy mô lên đến 50.000ha. Hiện dự án trong quá trình thương thảo về việc chuyển giao kỹ thuật và nhân giống giữa chủ đầu tư và Tập đoàn Đàn hương Việt Nam (thuộc Viện Nghiên cứu Cây đàn hương và Thực vật quý hiếm).
TS. Thoại cũng đang trực tiếp tư vấn cho một tập đoàn trong nước đầu tư dự án trồng từ 4.000-5.000 ha đàn hương tại Việt Nam.
Đánh đổi cơ nghiệp của gia đình, tạo nên sản nghiệp cho nông dân
Trong 7 năm tu nghiệp, nghiên cứu sinh tại Ấn Độ, TS. Thoại dành nhiều thời gian đi đến các cánh rừng đàn hương của Ấn Độ và từ đó hình thành ý tưởng đưa giống cây quý hiếm này về Việt Nam.
Tuy nhiên, để toàn tâm toàn ý cho cây đàn hương, TS. Thoại đứng trước lựa chọn khó khăn, đó là từ bỏ chức danh hiệu trưởng tại một trường cao đẳng nghề ở Hà Nội, mang cả sản nghiệp của gia đình để phục vụ cho việc nghiên cứu nhân giống cây đàn hương.
Biết đến đàn hương là một cơ duyên, mang được về Việt Nam là cả một sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc. Nhưng nhân giống thuần chủng và chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân là một thành công bước đầu.
Sau khi chính thức được Bộ NN-PTNT công nhận là cây lâm nghiệp vào năm 2018, Viện Nghiên cứu Cây đàn hương và Thực vật quý hiếm (được thành lập năm 2014) đã đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vùng trồng đàn hương trên cả nước.
Đây cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất được Bộ NN-PTNT giao nghiên cứu đề tài cấp bộ giai đoạn 2021-2025 về nhân giống và chế biến sản phẩm từ cây đàn hương.
Loài cây này có thể trồng xen canh nên người trồng vẫn có thể có nguồn thu từ các loài xen canh. Sau 3 năm có thể cho thu hoạch lá và hạt dùng làm trà.
Phải mất hơn 10 năm mới có thể khai thác lõi, nhưng ngay từ những năm đầu, đàn hương đã cho khai thác lá và hạt. Bên cạnh đó, cây đàn hương luôn phải trồng xen với cây ký chủ, thời gian chờ đợi để thu hoạch đàn hương cũng là lúc người trồng có được nguồn thu từ cây ký chủ.
“Tập đoàn Đàn hương Việt Nam hỗ trợ thu mua các sản phẩm từ lá, hạt, gỗ để chế biến sâu các sản phẩm như nhang đàn hương, vòng đeo tay từ gỗ đàn hương, xà bông đàn hương, tinh dầu đàn hương,... Chúng tôi đang hướng sản phẩm đến 3 lĩnh vực chính gồm sức khoẻ, làm đẹp và tâm linh”, TS. Thoại nói.
Đến nay, Viện đã mở rộng quy mô trồng đàn hương khoảng 9.000ha đàn hương tại hơn 50 tỉnh, thành phố, trong đó bao gồm cả việc liên kết chuyển giao cây giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người nông dân.
Sau 10 năm chính thức nhân giống thành công ở Việt Nam, đàn hương đã hình thành lõi và cho thấy khả quan khi mỗi cây cho khoảng 10kg lõi gỗ. Dự kiến từ năm thứ 14 trở đi là có thể khai thác gỗ.
Tập đoàn Đàn hương Việt Nam đã phát triển được một số sản phẩm từ hạt và lá và hạt đàn hương như trà đàn hương, hương (nhang) đàn hương, tinh dầu đàn hương.
Tuy nhiên, điều khiến TS. Vũ Văn Thoại trăn trở là diện tích cây đàn hương tự phát do người dân tự thu hoạch hạt để nhân giống ồ ạt, điều này không đảm bảo về chất lượng lõi đàn hương sau này.
Để có được hạt giống là cả một quy trình khắt khe, từ việc chọn ra những cây trội trong hàng nghìn cây cho hạt. Sau đó, còn phải khảo nghiệm ở thế hệ cây tiếp theo, nếu vẫn mang được nét đặc trưng của cây bố mẹ mới được chọn làm cây cho hạt giống.
“Mất khoảng 10-12 năm mới có thể chọn được cây bố mẹ. Từ năm thứ 8, cây bắt đầu hình thành lõi là có thể khoan thăm dò để chọn cây trội. Từ đó lấy hạt của cây đó để ươm, nếu cây vẫn phát triển tốt như cây bố mẹ thì mới chọn được. Nếu không kỹ lưỡng trong khâu chọn giống, sau 7-8 năm trồng cây có thể rơi vào cảnh trắng tay vì cây không cho lõi, thậm chí có thể mang mầm bệnh và chết yểu từ trước đó. Như vậy vô tình phá vỡ hệ sinh thái cây đàn hương mà chúng tôi bao năm gây dựng”, TS. Thoại nói.
Gỗ đàn hương được dùng cho việc sản xuất đồ mỹ nghệ, dùng trong đông y, nhưng chủ yếu là được chiết xuất để lấy tinh dầu.
Tại Ấn Độ, giá mỗi kg gỗ đàn hương là 450USD. Tuy nhiên, TS. Thoại cho rằng không thể nhìn vào mức giá đó để “tính cua trong lỗ”, cũng đừng vội tính toán mỗi ha cho bao nhiêu kg lõi rồi vội nhân với con số 450 USD kia, bởi để có được gỗ thu hoạch thì phải trải qua rất nhiều công đoạn và chi phí.
Tuy nhiên, TS. Thoại khẳng định một cách khiêm tốn, lợi nhuận thu về cao gấp hàng chục lần so với trồng cây keo.
“Tôi tính mỗi ha đàn hương sau 12 năm sẽ cho khoảng 8,1 tỷ đồng, với giá lõi đàn hương chỉ 25 USD/kg. Tôi đưa ra con số này là bởi đã loại trừ hết các yếu tố rủi ro. Tôi không muốn khuếch trương lên“, ông chia sẻ.