"Hé lộ" về thư mời làm việc kèm mức lương rất cao so với mặt bằng chung của người làm khoa học tại Hàn nói riêng và thế giới nói chung của TS Ngô Văn Hoàn khiến cộng đồng và giới trẻ bất ngờ, ngưỡng mộ.
Trước đây, dù đầu tư tiền bạc, trí tuệ, tâm sức để theo đuổi con đường học thuật, nghiên cứu khoa học nhưng TS Ngô Văn Hoàn luôn cho rằng "nghề làm khoa học nó bạc bẽo gì đâu". Học hành bao năm, bằng cấp cao mà công việc thì cạnh tranh, vất vả và mức lương không cao.
Tuy nhiên, anh chàng tiến sĩ trẻ người Việt đã thay đổi suy nghĩ khi cách đây vài ngày, tận mắt là "nhân vật chính" nhìn thấy mức lương chính phủ Hàn Quốc đồng ý chi trả cho mình 9 triệu Won (180 triệu đồng) /tháng. Ngoài ra, anh còn được 10 triệu Won (200 triệu đồng) năm đầu tiên gọi là để "ổn định nơi ăn chốn ở" (bao gồm vé máy bay từ Anh sang Hàn, bảo hiểm, chi phí làm visa…).
Tiến sĩ Ngô Văn Hoàn. |
"Mức lương luôn là vấn đề nhạy cảm, không ai muốn khoe ra. Tuy nhiên, đợt rồi mình có đăng thông tin lên một trang Facebook chuyên về học bổng đi Hàn Quốc, mình nhận được những bình luận kiểu như: "Mức lương của bạn sau thuế cũng chỉ ngang với mấy người đang làm Tiến sĩ bên này thôi, bớt mộng mơ đi".
Giờ mình đăng lên để mấy người đó thấy rằng: Nếu chính phủ Hàn Quốc không trả mức lương cho mình cao hơn mặt bằng chung thì không có lý do gì mình phải bỏ mấy trường hàng đầu của Anh (Viện ung thư London, Viện vệ sinh dịch tễ London, Đại học Cambridge) để qua Hàn Quốc làm. Vì vốn dĩ, ngoài danh tiếng ra thì môi trường làm việc bên Anh dễ thở vô cùng", TS Hoàn chia sẻ.
Trao đổi với PV Dân trí, TS Ngô Văn Hoàn xác nhận thông tin về mức lương "khủng" và cho biết: "Về mức lương, mình nhận được 9 triệu Won/ tháng (tương đương 180 triệu đồng). Đây là mức lương vô cùng cao so với mặt bằng chung của nhiều Tiến sĩ đang làm việc tại Hàn (40-60 triệu đồng).
Thậm chí đồng nghiệp mình là Tiến sĩ đang làm việc tại London (Anh) với 5 năm kinh nghiệm cũng không có được mức lương này (lương ở Anh tăng theo số năm kinh nghiệm).
Ngoài ra, mình nhận được 10 triệu Won (200 triệu đồng) để hỗ trợ mình ổn định cuộc sống tại Hàn".
Chia sẻ về đãi ngộ cho vị trí mới được Chính phủ Hàn Quốc mời nghiên cứu và giảng dạy của TS Ngô Văn Hoàn khiến cộng đồng khá bất ngờ. |
Ngô Văn Hoàn hiện là Tiến sĩ đang công tác tại Viện vệ sinh dịch tễ và Y học nhiệt đới London (Anh), một trong những Viện hàng đầu châu Âu về ngành Y, luôn tiên phong trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Thời gian vừa qua anh có trải qua phỏng vấn và đã được nhận vào 2 ngôi trường danh tiếng là Viện nghiên cứu ung thư London và Đại học Cambridge. Anh từng nhận được học bổng (fellowship) của Hiệp hội Hoàng gia Anh (The Royal Society), một tổ chức khoa học lâu đời và uy tín nhất thế giới.
"Vì mức độ danh giá của học bổng, mình được cấp visa loại 1 dạng tài năng (Tier 1 Exeptional Talent) và không có quá nhiều người nước ngoài đang làm việc tại Anh được cấp loại visa này. Theo dạng visa này, mình chỉ cần 3 năm sống và làm việc tại Anh là được cấp thẻ định cư vĩnh viễn (Indefinite Leave to Remain), trong khi đa số du học sinh ở đây cần 10 năm", TS Hoàn cho hay.
Ngoài các trường Đại học và Viện nghiên cứu tại Anh, chàng tiến sĩ trẻ người Việt cũng được nhận vào làm việc tại Đại học Quốc gia Seoul, ngôi trường danh giá nhất trong bộ 3 ngôi trường SKY huyền thoại của Hàn Quốc (bao gồm Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Korea, và Đại học Yonsei) và cũng là mơ ước của mọi sinh viên Hàn Quốc.
Anh cho hay, anh mới nhận được học bổng của chương trình Brain Pool của chính phủ Hàn Quốc, là chương trình tìm kiếm và mời các Tiến sĩ nước ngoài xuất sắc ở nhiều lĩnh vực, sang Hàn Quốc làm việc tại các trường Đại học và Viện nghiên cứu. Đây là học bổng rất danh giá và tính cạnh tranh rất cao
Tại sao chấp nhận "đánh đổi", rời bỏ Anh Quốc danh tiếng để qua Hàn Quốc nghiên cứu và giảng dạy?
Khi được PV đặt câu hỏi trên, TS Hoàn đã có những chia sẻ chi tiết để giải đáp băn khoăn của PV và nhiều người quan tâm như sau:
"Anh Quốc là giấc mơ của rất nhiều người. Rời Anh sang Hàn làm việc, nghĩa là bỏ đi cơ hội để được làm việc tại một trong những môi trường tốt nhất và danh giá nhất thế giới, bỏ đi cơ hội được nhập quốc tịch Anh. Nhưng tại sao mình vẫn chấp nhận đánh đổi? Tất cả là vì 2 chữ "mức lương".
Nghiên cứu khoa học là một công việc cao quý, không ai có thể phủ nhận điều đó. Cũng giống như những công việc khác, làm nghiên cứu khoa học cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực đó là dễ xin học bổng đi nước ngoài học tập, làm việc và định cư. Do đó, công việc này cho bạn cơ hội được bay nhảy khắp nơi trên thế giới. Ngoài ra, đây là công việc được cả xã hội tôn trọng và ngưỡng mộ. Mặt tiêu cực đó là môi trường làm việc căng thẳng, tính cạnh tranh cao (vì hiện tại, số lượng Tiến sĩ quá đông) và mức lương thấp so với bằng cấp và công sức bạn bỏ ra.
Mức lương ở các quốc gia khác nhau, hoặc giữa các thành phố trong cùng quốc gia có sự chênh lệch. Tuy nhiên, sự chênh lệch này không quá lớn và nhìn chung là thấp so với mức sống. Ví dụ thành phố London đắt đỏ là vậy, mà mức lương Tiến sĩ mới ra trường (đi làm theo dạng Postdoc, sau Tiến sĩ) làm việc tại các trường Đại học và Viện nghiên cứu chỉ tầm £2300/ tháng sau thuế (tầm 70 triệu đồng), trong khi tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt lên tới £1200/ tháng (tầm 40 triệu đồng) nếu sống tiết kiệm.
Tương tự như Anh, mức lương cho Tiến sĩ tại châu Âu và Mỹ cũng không khả quan hơn là mấy. Còn mức lương tại Hàn Quốc là từ 2 triệu Won - 3 triệu Won/ tháng sau thuế (40-60 triệu đồng), tùy thành phố. Tuy nhiên, chi phí sống tại Hàn rẻ hơn (20-30 triệu/ tháng) nếu sống tiết kiệm). Sống tiết kiệm ở đây là không ăn hàng quán thường xuyên, không mua sắm và đi du lịch nhiều. Và bạn dễ dàng nhận thấy rằng, con đường nghiên cứu khoa học chỉ thực sự phù hợp với những người đam mê. Nếu không, đời sống cơm áo gạo tiền sẽ rất dễ quật ngã bạn, khiến bạn chán nản mà bỏ/ chuyển nghề.
Trong mỗi một giai đoạn, mục tiêu của mình khác nhau. Ví dụ như khi vừa tốt nghiệp Tiến sĩ, mục tiêu của mình đó là đến được Anh và được làm việc trong một trường danh giá để cải thiện hồ sơ của mình. Lúc đó mình không quan tâm nhiều đến mức lương (và trên thực tế, mình đã chấp nhận mức lương thấp), vì mình hiểu để xin được việc tại thủ đô London là không hề đơn giản.
Tuy nhiên hiện tại, mục tiêu của mình là tài chính nên mình tìm cách để có thể sống tốt (hoặc rất tốt) bằng đồng lương của nghề này. Mình biết rằng, nếu tiếp tục làm tại Viện nghiên cứu ung thư London hay Đại học Cambridge thì mức lương cũng không khả quan hơn. Do đó sau khi nhận được học bổng của chính phủ Hàn Quốc (chương trình Brain Pool), mình đã quyết định rời Anh để sang Hàn Quốc làm việc vì những ưu đãi mà mình nhận được.
Thứ nhất là về mức lương, mình nhận được 9 triệu Won/ tháng (tương đương 180 triệu đồng). Đây là mức lương vô cùng cao so với mặt bằng chung của nhiều Tiến sĩ đang làm việc tại Hàn (40-60 triệu đồng). Thậm chí, nhiều Tiến sĩ đang làm việc tại London (Anh) với 5 năm kinh nghiệm cũng không có được mức lương này (lương ở Anh tăng theo số năm kinh nghiệm). Ngoài mức lương ưu đãi, mình nhận được 10 triệu Won (200 triệu đồng) để hỗ trợ mình ổn định cuộc sống tại Hàn.
Qua mức lương và chế độ ưu đãi, có thể thấy chính phủ Hàn Quốc rất coi trọng nguồn nhân lực từ nước ngoài. Và với mức lương mình được nhận, và với chi phí sinh hoạt tại Hàn Quốc, rất dễ hiểu tại sao mình quyết định sang Hàn Quốc làm việc nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học quốc gia Seoul".
TS Ngô Văn Hoàn từng nhiều lần giành học bổng danh giá tại Thụy Điển, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Anh... |
Có cách nào tăng mức lương của Tiến sĩ sau khi tốt nghiệp?
Theo kinh nghiệm của TS Ngô Văn Hoàn thì câu trả lời là có, và có 2 cách.
"Cách thứ nhất (là cách mình đang theo), đó là thay vì xin việc theo dạng hợp đồng, bạn hãy đề nghị Giáo sư hướng dẫn hoặc trường Đại học giúp bạn xin một học bổng (fellowship) nào đó.
Hiện nay ở châu Âu có một số học bổng dành cho sau Tiến sĩ như Newton International Fellowships, Marie Sklodowska- Curie Individual Fellowships, EMBO Fellowships…, trong khi đó ở Hàn Quốc thì có chương trình Brain Pool. Mức lương mà các học bổng này cho cao hơn mặt bằng chung.
Ngoài ra, bạn còn được cho tiền vé máy bay, tiền bảo hiểm, và một số tiền làm quỹ nghiên cứu riêng. Tuy nhiên, những học bổng dạng này vô cùng cạnh tranh và đòi hỏi bạn phải chuẩn bị hồ sơ rất sớm vì hồ sơ có rất nhiều mục phải hoàn thành.
Cách thứ hai đó là xin việc ở các công ty, tổ chức thay vì làm nghiên cứu tại các trường Đại học và Viện nghiên cứu. Ví dụ chuyên ngành của bạn là về Y sinh, bạn có thể xin vào làm tại các công ty hóa chất, dược, hoặc sản xuất vắc xin. Mức lương khi làm ở đây thường cao hơn gấp 2-3 lần (thậm chí cao hơn nữa) so với mức lương làm nghiên cứu tại các trường Đại học và Viện nghiên cứu", TS Hoàn hé lộ.
Theo Dân Trí
Cuộc sống và tình yêu của tiến sĩ Việt 33 tuổi ở Hàn Quốc
Nguyễn Quang Thắng cho rằng, các nhà khoa học người Việt dù đang làm việc ở đâu cũng góp phần đưa tên tuổi trí tuệ Việt Nam sánh tầm thế giới.