Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), cho biết mới đây, cơ sở này tiếp nhận một bệnh nhân N.T.T (nam, 30 tuổi, trú tại Hà Nội) vào khám vì nghiện game.
Người đàn ông này chia sẻ sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ở châu Âu về nước, do làm việc căng thẳng, áp lực, anh tìm tới các trò chơi điện tử. Ban đầu, anh chỉ chơi để giảm căng thăng nhưng dần dần rơi vào tình trạng nghiện game.
Thời gian đầu, anh T. chơi 1-2 tiếng mỗi ngày sau đó tăng lên 5 tiếng. Nếu không chơi game, anh sẽ cảm thấy buồn bực, không muốn làm gì, tâm lý thất thường hay quát mắng người thân nếu bị ngăn không cho chơi.
Do liên tục không hoàn thành các công việc được giao, anh bị điều chuyển nhiều công việc khác nhau và đều thất bại. Từ một tiến sĩ xuất sắc, anh trở thành người liên tục bị khiển trách. Nghiện game, anh ít giao tiếp với bạn bè, kể cả người thân. Theo gia đình của T., 3 năm qua, anh quên ăn quên ngủ, sút cân nhanh, đi lại không vững.
Bệnh nhân vào viện còn mang theo máy tính, hội chứng nghiện game rất nặng. “Khi tôi hỏi T., em muốn có một tương lai của tiến sĩ hay chọn chơi game. Cậu ấy thờ thẫn nói rằng chỉ cần game, muốn hòa mình vào thế giới ảo”, bác sĩ Thu cho biết.
Với trường hợp này, việc cai nghiện game rất khó vì phải tách khỏi máy tính nhưng bệnh nhân đã trưởng thành, cha mẹ không thể ngăn cấm.
Theo bác sĩ Thu, nghiện game ảnh hưởng tới khả năng làm việc, lao đông, sức khỏe tinh thần cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với những người tiềm ẩn sẵn bệnh tâm thần, việc lạm dụng game được coi là nút kích hoạt khiến cho bệnh xuất hiện và nặng lên.
Người bệnh có thể có những hành vi, thái độ tiêu cực, xu hướng bắt chước nội dung bạo lực và có các triệu chứng lo âu, trầm cảm. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh còn có hành vi tự sát.