Anh là 1 trong 10 gương mặt tài năng trẻ trong lĩnh vực Khoa học Công nghệ được trao giải thưởng Quả cầu vàng năm 2020.
TS Huỳnh Thế Thiện sinh năm 1988, là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Bến Tre |
Tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM năm 2011, Huỳnh Thế Thiện tiếp tục theo học thạc sĩ.
Sau đó, được sự tin tưởng và giới thiệu của một giảng viên hướng dẫn, Thiện tiếp tục nhận học bổng rồi nhận bằng tiến sĩ ngành Khoa học máy tính tại Trường ĐH ĐH Kyung Hee (TP Suwon, Hàn Quốc) vào năm 2018.
Hiện, anh đang là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, Viện Công nghệ Quốc gia Kumoh.
Từ năm 2014 đến nay, TS Thiện đã có 58 bài báo đã công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế, trong đó 21 bài thuộc danh mục Q1 (12 bài là tác giả chính), 2 bài thuộc danh mục Q2 (1 bài là tác giả chính), 1 bài thuộc danh mục Q3 và 33 bài thuộc danh mục Q4 (18 bài là tác giả chính).
Ngoài ra, anh còn có 2 báo cáo quốc tế xuất sắc, trong đó 1 bài là tác giả chính ở các hội nghị về lĩnh vực viễn thông; đồng tác giả của 3 sáng chế.
Đây là con số rất ấn tượng với một tiến sĩ sinh năm 1988.
“Lúc nhận được thông tin trở thành 1 trong 10 gương mặt được giải thưởng Quả Cầu Vàng mình rất bất ngờ".
Thiện cho rằng điều khiến hồ sơ của mình thuyết phục nhất với hội đồng có lẽ là việc chủ nhiệm 1 đề tài khoa học cấp quốc gia của Hàn Quốc: “Hierarchical Visual Deep Framework for High-Risk Physical Behavior Attention” (Thuật toán học sâu cho xử lý video giúp cảnh báo sớm các hành vi nguy hiểm ở người) được cấp bởi Quỹ nghiên cứu Quốc gia Hàn Quốc trong vòng 3 năm, từ 6/2019 đến 5/2022. Mức kinh phí được cấp khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm.
Theo Thiện, đề tài này nghiên cứu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong việc xử lý video với mục tiêu phát hiện, cảnh báo sớm các hành vi nguy hiểm.
“Chẳng hạn như những hành vi leo lên ghế và với tay để lấy vật dụng gì đó,... lúc đầu, máy sẽ phải nhận dạng vật thể trong khung hình là người hay là vật. Sau đó sẽ đối chiếu với bộ dữ liệu được xây dựng trong hệ thống của mình, nếu hành vi đó nguy hiểm hoặc mất an toàn thì sẽ đưa ra hình thức cảnh báo như gửi tin nhắn, phát âm thanh,...”, Thiện chia sẻ.
Trước đó, trong quá trình học tiến sĩ, Thiện cũng từn là thành viên nghiên cứu (từ 6/2014 đến 5/2018) đề tài khoa học “Mining Minds Core Technology Exploiting Personal Big Data” của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc. Đây cũng là một đề tài liên quan đến việc thu thập dữ liệu người dùng để đưa ra chỉ dẫn.
Phòng thí nghiệm là nhà
Để có được thành quả hiện nay, Thiện cho rằng mình đã trải qua một hành trình đầy nỗ lực và nhiệt huyết.
“Lĩnh vực mình học và nghiên cứu trước đây về thuật toán để xử lý ảnh nhưng phòng nghiên cứu ở môi trường mới chủ yếu là hệ thống nền tảng Dữ liệu lớn. Lúc đầu mình cảm thấy rất hụt hẫng, khá căng thẳng, thậm chí stress bởi hướng nghiên cứu của giáo sư và của mình không trùng với nhau”, Thiện chia sẻ về giai đoạn được cho là khó khăn nhất khi mới đặt chân đến Hàn Quốc.
Nhưng rồi, anh dặn mình đây là cơ hội để tiếp cận môi trường khoa học phát triển nên càng cần phải cố gắng. Thiện bỏ nhiều thời gian học, đọc để tiếp cận các kiến thức mới.
4 năm học tiến sĩ, Thiện có thuê phòng trọ ở ngoài, nhưng chủ yếu chỉ trở về vào dịp cuối tuần để giặt đồ, còn lại, phần lớn thời gian, Thiện gần như ở luôn tại phòng thí nghiệm của trường.
“Việc này giúp mình có thêm nhiều thời gian để nghiên cứu. Nhiều lúc trong đầu có một ý tưởng gì đó nhưng nếu rời phòng lab về nhà thì sẽ bị ngắt quãng. Ở lại phòng thí nghiệm, mình có thể thực hiện nó một cách xuyên suốt và thành công hay không thì cũng thỏa lòng”.
Điều Thiện ái ngại nhất chỉ là phòng thí nghiệm dù sao cũng là nơi sinh hoạt, nghiên cứu chung của mọi người. “Rất may, trước đó, mình ngỏ ý hỏi việc ngủ lại thì giáo sư người Hàn Quốc cũng vui vẻ sẵn lòng với lý do...coi như có thêm người trông phòng lab”, Thiện cười.
Ngoài nghiên cứu, TS Thiện còn là biên tập khách mời cho tạp chí ISI Remote Sensing (IF: 4.509).
Anh cũng tham gia phản biện cho các tạp chí chuyên ngành như: Information Sciences, IEEE Transaction on Circuits and Systems for Video Technology, IEEE Transaction on Industrial Informatics, IEEE Access, IEEE Transactions on Cognitive and Developmental Systems, Sensors...
Với kinh nghiệm của mình, Thiện có nhiều cơ hội để tiếp tục ở lại làm việc ở Hàn Quốc hoặc một số quốc gia khác. Song, Thiện cho hay, sau khi hoàn tất đề tài, tháng 5/2022, anh sẽ trở về Việt Nam để có thể cống hiến ngay tại quê nhà.
Anh dự định sẽ thi vào làm giảng viên một trường đại học ở TP.HCM.
Giải thưởng Khoa học công nghệ Thanh niên Quả Cầu Vàng là Giải thưởng uy tín trong lĩnh vực khoa học công nghệ dành cho các cá nhân xuất sắc không quá 35 tuổi, do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Giải thưởng này nhằm phát hiện, tôn vinh các tài năng trẻ xuất sắc ở 5 lĩnh vực: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ y - dược, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, công nghệ vật liệu mới. |
Thanh Hùng
10 tài năng trẻ nhận giải thưởng Quả cầu vàng năm 2020
Tối 12/12, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức giao lưu “Khát vọng Việt Nam”, trao Giải thưởng Quả Cầu Vàng và giải thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ năm 2020.