TS Nguyễn Thị Lan Hương (sinh năm 1978) đã chọn cách ra đi sau hơn 9 năm công tác để bắt đầu lại con đường nghiên cứu sâu hơn về giáo dục đại học.
PGS. TS Trần Thị Lan (SN 1982) hiện đang là Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Việt Nam, giảng viên tại Đại học Cao Hùng (Đài Loan). Đây cũng là ngôi trường đầu tiên tại Đài Loan thành lập khoa Ngữ văn Đông Á, bao gồm 3 tổ là tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Việt.
17 năm đem tiếng Việt đến gần hơn với sinh viên quốc tế, PGS. TS Trần Thị Lan nói, mục tiêu ban đầu của chị đơn giản chỉ là muốn được “xông pha” và “làm cái gì đó khác đi”. Nhưng càng đi, chị càng thấy mở ra nhiều cơ hội.
“Vì không nghĩ nhiều nên không cảm thấy sợ”
Tốt nghiệp khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), chị Lan từng nghĩ sẽ theo đuổi con đường biên tập sách hoặc làm công việc liên quan đến lĩnh vực báo chí.
Nhưng tình cờ, trong quãng thời gian học thạc sĩ, chị biết tới một nữ giảng viên người Thái Lan, là nghiên cứu sinh tại khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.
“Cô nói rằng, hiện ở Thái Lan đang có một trường đại học mới thành lập khoa Tiếng Việt. Nhà trường mong muốn có thể tìm kiếm giảng viên người Việt sang đó giảng dạy, cho nên cô muốn giới thiệu tôi”.
Mặc dù ở thời điểm ấy, chị Lan vẫn chưa hoàn thành chương trình thạc sĩ, nhưng cơ hội tới khiến chị không phải suy nghĩ quá nhiều. Chị cùng một người bạn trong lớp lập tức nộp đơn đăng ký đến giảng dạy tại Trường ĐH Mahasarakham (Thái Lan).
“Quá trình ấy diễn ra rất nhanh, chỉ trong vòng 1 tháng. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ mình phải xông pha chứ chưa hình dung ra mình sẽ cần phải làm những gì. Có thể vì không nghĩ nhiều nên tôi không cảm thấy sợ”.
Dạy tiếng Việt bằng... tiếng Việt và body language
Ở thời điểm ấy, chuyên ngành tiếng Việt của Đại học Mahasarakham mới chỉ thành lập được khoảng 2 năm. Cả trường chỉ có 3 giảng viên người Việt.
Do chương trình học và giáo trình đều thiếu, nữ giảng viên 8X vừa dạy, vừa phải học thêm nghiệp vụ sư phạm, vừa biên soạn sách.
“Mới sang, tôi không biết tiếng Thái, trường lại yêu cầu giảng viên không được dạy bằng tiếng Anh. Do đó, tôi chỉ có thể dạy tiếng Việt… hoàn toàn bằng tiếng Việt”, TS Trần Thị Lan nhớ lại.
Nhưng thế mạnh của cô giáo tuổi 23 là sức trẻ và sự nhiệt huyết. Khi không thể giải thích bằng ngôn từ, chị lại sử dụng bằng hành động.
“Có lần, học đến từ ‘đấm bốc’, khi tôi miêu tả bằng hành động, học sinh lại hiểu nhầm rằng đó là… “giặt quần áo”. Vì thế, cả lớp được phen cười nghiêng ngả; không khí lớp học cũng trở nên vui vẻ, thoải mái hơn.
Nhờ vậy, sinh viên tiến bộ rất nhanh, hiểu được các từ, cấu trúc câu và biết vận dụng vào ngữ cảnh giao tiếp”, TS Lan nhớ lại.
Tất nhiên, quá trình xây dựng chương trình học từ những “viên gạch” đầu tiên cũng không dễ dàng. TS Lan và các thầy cô trong bộ môn cũng phải tự nghiên cứu, tìm hiểu; vừa dạy, vừa sửa để có một chương trình hoàn chỉnh.
Mong muốn đi xa hơn
Đến năm 2007, khi đã giảng dạy ở Thái Lan được 2 năm, chị Lan nhận ra, nếu muốn tiếp tục gắn bó và phát triển theo con đường này, cần phải học và nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa.
Do từng học văn bằng hai chuyên ngành tiếng Trung khi còn ở Việt Nam, chị Lan được một người bạn động viên sang Đài Loan học nếu muốn phát triển việc giảng dạy tiếng Việt.
Thời điểm đó, dù rất muốn ở lại phát triển sự nghiệp tại Thái Lan, nhưng không còn cách nào khác. Một thời gian ngắn sau, tôi bay về Việt Nam làm hồ sơ và nhận được học bổng thạc sĩ tại Đài Loan”, TS Lan nhớ lại.
Cơ hội mở ra trên hành trình nỗ lực
Trong quãng thời gian học thạc sĩ, chị Lan đăng ký xin làm giáo viên tại Trung tâm Ngoại ngữ, khoa Ngoại văn, Đại học Quốc gia Thành Công. Vừa đi dạy, chị vừa tham gia một vài dự án quảng bá văn hóa Việt.
“Thời điểm ấy, ấn tượng của người Đài về người Việt Nam không mấy tích cực. Họ chỉ biết về người Việt là những người sang lao động xuất khẩu hoặc để lập gia đình. Vì vậy, điều tôi cùng nhiều du học sinh Việt tại đây mong muốn là làm thay đổi nhận thức và cái nhìn của họ đối với người Việt”.
Mong muốn phát triển ngành tiếng Việt, chị Lan tiếp tục xin học bổng của chính quyền Đài Loan để theo học chương trình tiến sĩ.
Đến năm 2016, khi Đài Loan chính thức đưa môn Ngôn ngữ Đông Nam Á (bao gồm tiếng Việt, tiếng Indonesia, tiếng Thái…) vào khung chương trình học như một ngoại ngữ thứ hai, các trường tiểu học, trung học trên cả nước bắt đầu mở lớp.
Nhu cầu về giáo viên tăng, lúc này, TS Lan được mời làm giảng viên đào tạo giáo viên – là những cô dâu người Việt tại Đài Loan - phương pháp giảng dạy tiếng Việt.
"Trên suốt hành trình ấy, tôi chỉ luôn nỗ lực tiến về phía trước, và cơ hội cứ thế dần mở ra".
Đến năm thứ 2 bậc tiến sĩ, nghe tin ĐH Cao Hùng là ngôi trường đầu tiên mở khoa Ngữ văn Đông Á, đang cần tuyển giáo viên cho tổ Tiếng Việt, mặc dù khi ấy chưa tốt nghiệp tiến sĩ, chị vẫn thử đăng ký và được nhận làm giảng viên.
Hiện tại, PGS.TS Trần Thị Lan vừa là Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Việt Nam của trường, vừa tham gia giảng dạy, nghiên cứu và viết sách về tiếng Việt và Việt Nam học. Ngoài ra, chị cũng thường xuyên làm cầu nối để hợp tác về học thuật, giao lưu và đưa sinh viên đi thực tập tại các trường đại học Việt Nam.
“Điều tôi mong muốn nhất là có thể góp phần nâng cao vị thế của tiếng Việt tại Đài Loan. Ngoài ra, bản thân có thể trở thành cầu nối giao lưu giáo dục, với nhiều dự án kết nối giữa Việt Nam và Đài Loan”.
Trong quá trình giảng dạy tại Đại học Cao Hùng, PGS.TS Trần Thị Lan vinh dự được nhận giải thưởng “Giảng viên ưu tú trong nâng cao chất lượng giáo dục đại học” do Cơ quan quản lý Giáo dục Đài Loan trao tặng. Năm 2020, nhờ những cống hiến của mình, PGS.TS Lan được đặc cách cấp quốc tịch Đài Loan. Chị cũng là giảng viên Việt Nam đầu tiên nhận được vinh dự này. PGS.TS Trần Thị Lan cũng là người đầu tiên được thông qua việc xét công nhận phó giáo sư của ngành Tiếng Việt và Việt Nam học tại Đài Loan. |