Xuất phát điểm bình thường
Trương Tế (SN 1993) xuất thân trong gia đình bố mẹ đều là giáo viên tại Thông Châu, Hồ Bắc, Trung Quốc. Gia đình coi trọng giáo dục, do đó anh thấm nhuần quan niệm 'kiến thức thay đổi số phận' và hiểu được tầm quan trọng của việc học.
So với bạn bè đồng trang lứa, lực học của Trương Tế ở mức trung bình. Trong mắt bạn cùng lớp, anh là học sinh chăm chỉ. Đối với thầy cô, anh không được coi là học sinh xuất sắc.
Lên cấp 2, điểm số của anh chỉ ở mức khá. Thậm chí, năm 2011 trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, anh bị trượt vì điểm thấp. Năm 2012, Trương Tế thi lại và đỗ vào Học viện Công nghệ Vũ Xương, Trung Quốc.
Bước chân vào ĐH, Trương Tế nỗ lực và cố gắng hết sức. “Biết mình kém hơn các bạn, từ năm nhất tôi không dám chểnh mảng. Tôi giữ khoảng cách với sinh viên ăn nhậu, ham chơi”, anh chia sẻ.
Thời gian rảnh, Trương Tế đến thư viện đọc sách để nâng cao kiến thức chuyên môn. Anh đặt mình vào kỷ luật, tự giác học tập và đề ra kế hoạch cụ thể. “Nếu muốn tỏa sáng, chúng ta phải bứt phá ra khỏi giới hạn của bản thân”, Trương Tế nói.
Duy trì những yêu cầu khắt khe đối với bản thân, trong thời gian ngắn anh vượt qua kỳ thi CET-4 và CET-6 (Kỳ thi tiếng Anh toàn quốc do Vụ Giáo dục CĐ, ĐH thuộc Bộ Giáo dục tổ chức). Trương Tế còn đạt được chứng chỉ kỹ năng nghề nghiệp quốc gia - ITAT.
Nỗ lực không ngừng
Tốt nghiệp ĐH, Trương Tế nhận được giấy nhập học hệ thạc sĩ của Học viện Bưu chính Viễn thông Vũ Hán. Trong quá trình học, điểm số của anh luôn nằm trong top đầu.
“Mọi người đều giỏi hơn tôi. Họ đến từ các ĐH danh tiếng, trong môi trường như vậy, tôi phải vẫn giữ thói quen học tập trước đây. Tôi đào sâu và nắm vững kiến thức chuyên môn”, Trương Tế chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, anh quyết định học lên tiến sĩ tại ĐH Khoa học và Công nghệ Hoa Trung. Năm 2016, anh trở thành nghiên cứu sinh về Kiến trúc Hệ thống Máy tính tại Trung tâm Nghiên cứu Quang - Điện tử quốc gia.
Hướng nghiên cứu của anh dựa vào trí tuệ nhân tạo và kiến trúc máy tính, nhằm nghiên cứu các công nghệ tối ưu hóa hệ thống thông minh. Trong thời gian học tiến sĩ, anh xuất bản được nhiều bài báo trên tạp chí nổi tiếng và tham dự các hội nghị về học thuật.
Trong mắt người khác, lúc này anh là tấm gương sáng. Nhưng Trương Tế vẫn chưa cảm thấy tự hào về những gì đạt được. Anh luôn cải thiện và không ngừng nâng cao năng lực để bản thân vươn xa hơn.
Được sự giới thiệu của giáo sư, trong vai trò thực tập sinh tại Tencent, Trương Tế giành được giải thưởng Đóng góp xuất sắc cho tập đoàn và sở hữu 7 bằng sáng chế.
Từ chối mức lương cao
Trong thời gian trao đổi nghiên cứu sinh tại Mỹ, một công ty IT đưa ra lời đề nghị với mức lương 4 triệu NDT/năm (13 tỷ đồng), mong anh ở lại làm việc. Nhưng Trương Tế vẫn từ chối.
Ngoài ra, các công ty về công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Tencent, IBM, Alibaba... đã đưa ra lời đề nghị về làm việc đối với anh. Trong đó, có công ty đưa ra mức lương đãi ngộ đối với Trương Tế là 3,6 triệu NDT/năm (11,8 tỷ đồng).
Từ chối mức lương cao, Trương Tế gia nhập dự án thiên tài trẻ của Huawei. Chia sẻ về sự lựa chọn, anh cho biết chung chí hướng với tập đoàn. Anh nói thêm, tiêu chuẩn tuyển dụng của Huawei dành cho người trẻ tài năng rất nghiêm ngặt.
Anh phải trải qua 7 vòng trong quy trình, bao gồm: Sàng lọc sơ yếu lý lịch; Bài kiểm tra chuyên môn đầu vào; Vòng 1 phỏng vấn; Vòng 2 giám sát phỏng vấn; Vòng 3 trưởng bộ phận phỏng vấn; Vòng 4 Chủ tịch tập đoàn phỏng vấn; Vòng 5 bộ phận nhân sự phỏng vấn.
Anh trở thành nhân viên của công ty với mức lương hàng năm là 2,01 NDT/năm (6,6 tỷ đồng). Hiện anh đã gia nhập Huawei, tiếp tục một số công việc và dự án có liên quan trong thời gian tới.
Theo đó, công ty cho biết sẽ dần điều chỉnh nội dung công việc để các "thiên tài trẻ" phát huy hết những lợi thế của bản thân.
Anh cho biết, để đạt thành tựu này không phải một sớm một chiều. “Mọi người biết mức lương hàng năm của tôi là 2,01 triệu NDT (6,6 tỷ đồng). Nhưng họ không biết tôi đi bao lâu và nỗ lực như thế nào để đạt được mục tiêu”, Trương Tế trải lòng.
Gia nhập Huawei, Trương Tế đặt ra cho mục tiêu mới hy vọng có thể giúp tập đoàn tiến xa hơn. Sau 2 năm vào công ty, đồng nghiệp đánh giá anh giống nhà nghiên cứu khoa học thực thụ. Anh không xem bản thân là người tài giỏi, thành công của hôm nay là kết quả của sự chăm chỉ.
Bất cứ khi nào ai đó hỏi anh đánh giá bản thân như thế nào. Anh luôn trả lời: “Tôi chỉ là một người rất bình thường”.
Bố mẹ anh lại cho rằng người ưu tú sẽ sở hữu con đường học tập ổn định, không nhất thiết phải tài giỏi hay nhanh chóng hơn người khác. Nhờ câu nói này của bố mẹ, Trương Tế có quá trình học hành vững chắc, chủ động trong việc tìm tòi kiến thức và không bỏ cuộc.
Theo Sohu